Đến nay, toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) thu gom, xử lý triệt để bằng phương pháp tái chế, đốt phát điện và làm phân bón.
TTXVN - Thực hiện Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030", trong đó tỉnh Bình Dương được yêu cầu đóng cửa các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh và quá tải, giúp bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững trong hệ thống lưu vực sông Đồng Nai, tính đến ngày 1/8/2023, tỉnh Bình Dương đã chấm dứt hoàn toàn việc chôn lấp rác thải, về đích trước thời gian đặt ra.
Đến nay, toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã được Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) thu gom, xử lý triệt để bằng phương pháp tái chế, đốt phát điện và làm phân bón, không còn cảnh tượng chôn lấp như trước đây.
Năng lực khu xử lý rác của đơn vị là 2.520 tấn/ngày theo phương pháp làm phân bón, đốt rác phát điện và dùng tái chế. Lượng tác thải ra trên địa bàn tỉnh khoảng 2.300 tấn/ngày đều được thu gom toàn bộ về đơn vị xử lý, không còn rác dư thừa để chôn lấp như trước đây. Các bãi chôn rác trên địa bàn tỉnh đã chấm dứt hoạt động từ giữa năm 2023.
Bình Dương là một tỉnh nằm trong lưu vực sông Đồng Nai, được bao quanh bởi các con sông quan trọng như sông Sài Gòn, sông Bé và sông Đồng Nai. Việc bảo vệ môi trường trong lưu vực sông Đồng Nai là bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.670 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 790 ha. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài là hơn 4.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD.
Bình Dương đã tích cực tập trung vào công tác quản lý và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh và bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thông qua việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án, đề án và nhiệm vụ bảo vệ môi trường; đầu tư các biện pháp về bảo vệ môi trường tỉnh, quản lý chất thải rắn, phân loại nguy cơ ô nhiễm môi trường...
10 năm trở lại đây, Bình Dương đã đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn vay ODA để triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đạt công suất xử lý hơn 2.300 tấn/ngày. Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các khu công nghiệp tập trung. Những nỗ lực này là minh chứng cho quyết tâm cải thiện môi trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững theo đúng với lộ trình mà tỉnh đã đề ra./.
- Từ khóa:
- Bình Dương
- môi trường
- xử lý rác thải