Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Bình Phước ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Ngày 28/9, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Theo đó, có 9/11 huyện, thị xã thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra thiếu nước, hạn hán ở cấp độ 2-3, đặc biệt ảnh hưởng nặng tại huyện Bù Đăng và huyện biên giới Bù Gia Mập. Đợt hạn hán đã có đến 5.770 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 10.600 ha cây trồng các loại bị thiếu nước tưới, gây giảm năng suất từ 30-70%.
Những trận mưa lớn kèm gió lốc làm 4 căn nhà bị sập, 108 căn bị tốc mái, gãy đổ và ngã rạp hơn 91 ha cây trồng các loại. Thiên tai còn ảnh hưởng đến công trình giao thông, sạt lở; nhiều biển, bảng quảng cáo một số trụ sở cơ quan, các hộ kinh doanh, đèn đường, dây điện…bị gãy đổ.
Thời gian tới, để ứng phóng với thiên tai, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản chỉ đạo chủ động, tăng cường công tác ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống thiên tai.
Các cơ quan, đơn vị triển khai lực lượng xung kích, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán khi có tình huống xảy ra; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn, nhất là tại khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả trước, trong và sau thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai, phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ, phục hồi tái thiết sau thiên tai.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các dự án,... theo chức năng nhiệm vụ được phân công chủ động thực hiện tốt công tác được giao, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai./.
- Từ khóa:
- hạn hạn
- Bình Phước
- nông nghiệp
- ngập lụt