Xã hội

Diện mạo mới trên quê hương Đồng khởi anh hùng

Bến Tre

Đến nay, bộ mặt nông thôn mới tại Bến Tre (quê hương Đồng khởi anh hùng) dần được thay đổi, ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện và liên tục để hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, những năm qua, Bến Tre đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng thể trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, bộ mặt nông thôn mới tại Bến Tre (quê hương Đồng khởi anh hùng) dần được thay đổi, ngày càng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

* Rộn ràng trong nhịp sống mới

Giao thông nông thôn xã Sơn Phú (Giồng Trôm, Bến Tre) được bê tông hóa phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. 
Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Theo thống kê, tính đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh Bến Tre có 112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 17 xã đạt 10-14 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.

Là xã thuộc tiểu vùng IV của huyện Giồng Trôm, khi đi vào triển khai xây dựng nông thôn mới, Sơn Phú còn nhiều khó khăn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, xã Sơn Phú đã nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao vào tháng 7/2024.

Ông Nguyễn Văn Hây ngụ ấp Phú Hòa, xã Sơn Phú phấn khởi chia sẻ, so với trước đây, diện mạo Sơn Phú dần thay đổi, với nhiều khởi sắc, rộn ràng trong nhịp sống mới. Những con đường lầy lội giờ “lột xác” thành những con đường được nhựa hóa, bê tông hóa thẳng tắp, hai bên lề đường được trồng hoa và cây xanh. Đường liên xã, liên ấp, liên xóm đều được cứng hóa phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân thuận tiện. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao, các mô hình sản xuất được hình thành và hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là các mô hình kinh tế hợp tác... Thêm vào đó, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân. Điện, nước sạch, thông tin liên lạc đã vào đến từng xóm, từng nhà.

Theo ông Hây, việc xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, của chính quyền địa phương mà là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, trong đó người dân địa phương giữ vai trò chính, cùng nhau góp sức, góp của, để xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao. Dù tuổi cao, nhưng ông cùng gia đình đã tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như trồng, cắt tỉa hàng rào cây xanh, thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh nhà ở, vườn tược, đảm bảo “xanh - sạch - đẹp” và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền.

* Chương trình lâu dài và xuyên suốt

Xã nông thôn mới kiểu mẫu Đại Điền (Thạnh Phú, Bến Tre). 
Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Đại Điền là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Thạnh Phú, được tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2015. Đến tháng 7/2024, đây cũng là xã đầu tiên của huyện được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Về với xã Đại Điền hôm nay, có thể cảm nhận rõ sự đổi thay toàn diện. Sự chuyển mình về kinh tế, văn hóa là những giá trị cốt lõi mà nông thôn mới đem lại cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Đại Điền Lê Văn Trung cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã xác định xây dựng nông thôn mới là chương trình lâu dài và xuyên suốt, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, và đích đến trong năm 2024 là xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu đề ra, địa phương tích cực thực hiện tuyên truyền, triển khai rộng rãi để người dân hiểu và cùng chung tay với chính quyền xây dựng nông thôn mới, tập trung thực hiện các điều kiện về xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo ông Lê Văn Trung, cả hệ thống chính trị xã luôn nhất quán quan điểm người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo luôn được quan tâm triển khai nhằm nâng mức sống và thu nhập của người dân. Thông qua các chương trình, đề án giảm nghèo; phát triển kinh tế hợp tác; chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt; vận động lực lượng trẻ tham gia hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài, đến nay, đời sống người dân ngày càng cải thiện, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,42% (năm 2023 là 2,47%), thu nhập bình quân đầu người là 74,86 triệu đồng.

Ông Cù Thanh Sơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp Khu Phố, xã Đại Điền cho biết, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đại Điền đã chọn ấp Khu Phố để chỉ đạo xây dựng mô hình ấp thông minh và chọn 3/5 lĩnh vực thuộc quy định mô hình ấp thông minh tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện, gồm các lĩnh vực hạ tầng thông tin, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh trật tự. Đến nay, 100% điểm công cộng trọng điểm như khu vui chơi, thư viện, điểm du lịch, trạm y tế có phủ sóng wifi; 97,84% hộ gia đình trong ấp có thiết bị thông minh; 100% chủ thể, hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định hiện hành. Ngoài ra, trên địa bàn ấp có 134 hộ gia đình lắp đặt camera, trong đó có 16 camera được lắp đặt hướng ra đường giao thông, góp phần phục vụ trích xuất hình ảnh đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bí thư chi bộ ấp Khu Phố cho biết, tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng ấp nông thôn mới thông minh, thời gian tới, người dân trên địa bàn phấn đấu có ít nhất 95% hộ gia đình tham gia vào các nhóm zalo của tổ nhân dân tự quản để kịp thời chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là ở khu vực chợ; tuyên truyền, vận động nhân dân ứng dụng các trang mạng xã hội quảng bá sản phẩm địa phương cũng như bán hàng qua mạng…, nhất là tham gia quảng bá phát triển du lịch, khai thác giá trị di tích, sản phẩm OCOP của xã./.

 

Chương Đài

Tin liên quan

Xem thêm