Quốc hội với Cử tri

Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên

Phú Yên

Cử tri Phú Yên kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp, lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp, đảm bảo mọi người dân đều được tham gia bảo hiểm y tế.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên thực hiện phẫu thuật thay khớp gối. 
Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên liên quan mức đóng bảo hiểm y tế; chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Theo nội dung cử tri kiến nghị: Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo đó mức độ đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng thêm 30% so với mức đóng cũ, trong khi đời sống của đại bộ phận nhân dân ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn, vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp, lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm y tế cho phù hợp, đảm bảo mọi người dân đều được tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế cho biết: Theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và Điểm e, Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì mức đóng bảo hiểm y tế của các thành viên hộ gia đình theo mức 4,5% mức lương cơ sở, cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân khi tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt người dân ở nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá trong triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã tham mưu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018.

Theo quy định, tại Điểm b, Khoản 3 Điều 8 của Nghị định số 75/2023/NĐ-CP quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trungương quyết định mức hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng khác như nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Do vậy, Bộ Y tế đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên để xem xét, có hình thức hỗ trợ thêm cho nhóm đối tượng hộ gia đình khi tham gia bảo hiểm y tế trong khả năng ngân sách của tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp của tỉnh.

* Cử tri Phú Yên cũng băn khoăn về quy định bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người làm công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng. Bởi người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thường phải trải qua quá trình đào tạo, thử việc dài hạn, nhiều áp lực, kinh phí. Việc yêu cầu chứng chỉ kĩ năng nghề quốc gia đối với đối tượng này và một số đối tượng đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đối với người lao động, người sử dụng lao động, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính, chồng chéo giữa các văn bản.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam hiện nay, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề ở nước ta theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 hoàn toàn dựa trên hồ sơ, chưa đảm bảo được tính khách quan và đảm bảo được chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực khám chữa bệnh, các văn bằng chứng chỉ, chứ không dựa trên việc đánh giá năng lực thông qua kỳ thi quốc gia để cấp phép như nhiều nước đang thực hiện. Do vậy, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề để cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh chuyên môn, văn bằng chuyên môn tương ứng để thi đánh giá năng lực hành nghề và cấp giấy phép hành nghề với từng chức danh nghề nghiệp.

Hiện nay, với việc tham gia vào cộng đồng chung ASEAN, Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương… hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã phù hợp, tiếp cận gần hơn với pháp luật quốc tế, phù hợp với các cam kết, hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, nhiều quy định đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như cấp giấy phép hành nghề đã dần hướng đến hội nhập quốc tế, bảo đảm đối xử bình đẳng giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước và tư nhân, giữa người hành nghề trong cơ sở nhà nước và tư nhân. Sự tham gia của các cơ sở, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có yếu tố nước ngoài cũng được bảo đảm đối xử công bằng và cùng hoạt động trên một mặt bằng pháp luật của Việt Nam. Điều này đã tạo điều kiện cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề được thực hiện quyền, nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ Y tế cho rằng, việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo năng lực người hành nghề, nâng cao chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo về khối ngành sức khoẻ và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân./.


Xuân Triệu

Tin liên quan

Xem thêm