Xã hội

Cà Mau thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững

Cà Mau

Trong quý II/2024, tỉnh khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hòn Đá Bạc là một thắng cảnh đẹp ở xã Bình Khánh Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là điểm đến thăm quan, nghỉ dưỡng của hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm.
Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

TTXVN - Nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh ưu tiên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao để thúc đẩy sự tăng trưởng theo hướng bền vững, tạo sự đột phá mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quý II/2024, tỉnh khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập hồ sơ thủ tục mời gọi đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tập trung triển khai, quán triệt, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giai đoạn 2024 – 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các chủ đầu tư, địa phương, đơn vị có liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng thi công các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng; tập trung chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau. Các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và thực hiện thanh toán, quyết toán, tất toán các công trình, dự án đầu tư theo đúng quy định.

Tỉnh quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, hình doanh; đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, nhất là các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện tốt hơn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 Nuôi tôm siêu thâm canh ở xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi. 
Ảnh: Kim Há-TTXVN

Cơ quan chức năng tỉnh theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới và trong nước, kịp thời cảnh báo rủi ro và chủ động có giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, triệt để tiết kiệm.

UBND tỉnh Cà Mau đôn đốc các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó nắng nóng, hạn hán, sụt lún, sạt lở bờ sông, thiếu nước, xâm nhập mặn...; phòng, chống cháy rừng mùa khô năm 2023-2024; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại, tuyệt đối không để người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Theo Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I năm 2024 ước tăng 6,09% so cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản lũy kế đạt 160.490 tấn, bằng 24,6% kế hoạch, tăng 1,8% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lũy kế 3 tháng đầu năm ước đạt 270,5 triệu USD, bằng 21,6% kế hoạch, tăng 6% so cùng kỳ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh thu hút được 5 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký gần 141 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 có 2 dự án mới, tổng vốn đăng ký gần 222 tỷ đồng). Hiện, trên địa bàn tỉnh có 458 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 145.380 tỷ đồng. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, kiểm tra (kể cả kiểm tra các quy trình, hồ sơ, thủ tục…) các công trình, dự án đã giao cho nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; xem xét, thu hồi dự án không đảm bảo điều kiện, tiến độ theo quy định.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý 1/2024 còn một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh những tháng đầu năm tuy có khởi sắc nhưng sản lượng chế biến tôm giảm nhiều so cùng kỳ, do các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU gặp khó khăn do cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Mặt khác, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển... Cùng với đó, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng; tình trạng sạt lở, sụt lún xảy ra nghiêm trọng ở một số khu vực trong tỉnh đã gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh../.

Quách Kim Há

Xem thêm