An sinh

Các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ban hành kịp thời, sát thực tiễn

Bến Tre

Hội thảo lắng nghe ý kiến của các địa phương, xem xét mức độ đi vào cuộc sống của các chính sách, những vấn đề bất cập, chưa khả thi.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu Hội thảo. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

TTXVN - Sáng 6/5, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Nam bộ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”.

Dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện Hội đồng nhân dân, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 10 tỉnh, thành khu vực Nam bộ.

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Tào Bằng Huy cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, lao động việc làm... Trước những tác động của dịch bệnh, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 42/NQ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020), Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116. Qua đó, góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 27/5/2021, 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ có 2.521.520 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã, hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với kinh phí hơn 2.660 tỷ đồng; 582.311 người thuộc nhóm lao động có giao kết hợp đồng được hỗ trợ với kinh phí hơn 594 tỷ đồng; 17.120 hộ kinh doanh được hỗ trợ với kinh phí hơn 18 tỷ đồng.

Đối với kết quả triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23, nhóm các địa phương vùng Nam bộ có tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ các đối tượng khá cao do năm 2021 tình hình dịch COVID-19 tại khu vực diễn ra phức tạp, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn rộng. Tổng kinh phí hỗ trợ của 19 tỉnh, thành phố chiếm 78,4% của toàn quốc; trong đó, kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm của vùng Nam bộ chiếm 60,5%. Toàn vùng Nam bộ đã giải ngân hơn 1.763 tỷ đồng cho các trường hợp khó khăn vay vốn để trả lương ngừng việc cho lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh...

Về triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/QĐ-TTg, số người sử dụng lao động được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Nam bộ là 139.270 đơn vị, chiếm 40% so với cả nước, tương ứng với 5.204.368 người lao động, với tổng số tiền giảm đóng đến hết ngày 31/3/2022 là hơn 336.838 tỷ đồng. Tổng số người lao động được hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng Nam bộ là 6.059.674 người, chiếm 46,7% cả nước, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 2.660 tỷ đồng.

Tham luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các chính sách do Chính phủ ban hành kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai thực hiện các chính sách trên tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, cơ bản không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, do dịch bệnh phức tạp nhất là phải việc thực hiện giãn cách xã hội, việc triển khai các chính sách còn bị động, lúng túng. Một số địa phương triển khai chậm, sau đó đã khắc phục kịp thời.

Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ, các cấp Công đoàn đã chủ động tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động thiết thực, hiệu quả. Ngoài các mô hình, cách làm truyền thống, các cấp Công đoàn đã sáng tạo nhiều mô hình như siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng, "ATM" gạo, gian hàng lưu động 0 đồng, gói hỗ trợ dinh dưỡng, túi an sinh Công đoàn… và vận động các chủ nhà trọ, các doanh nghiệp miễn, giảm giá thuê nhà, giảm giá các mặt hàng thiết yếu để kip thời hỗ trợ công nhân lao động.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá lại tình hình triển khai thực hiện các chính sách tại cơ sở để đề xuất các chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Các địa phương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, từ nay đến tháng 6/2022. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách.

Các địa phương tăng cường phổ biến để người lao động có đầy đủ thông tin về nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ giải pháp về phát triển thị trường lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình…

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, Hội thảo lần này có ý nghĩa rất lớn trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các địa phương, xem xét mức độ đi vào cuộc sống của các chính sách, những vấn đề bất cập, chưa khả thi, những vần đề cần rút kinh nghiệm. Đặc biệt, khi nhận diện ra những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề chưa tương ứng của chính sách sẽ góp phần cho công tác hoạch định, phân tích, đánh giá và ban hành chính sách sau này của Quốc hội và Chính phủ./.

Công Trí

Xem thêm