Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp làm tốt việc tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn.
(TTXVN) Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, trong giai đoạn này, tỉnh Bạc Liêu có 9.640 hộ nghèo, chiếm 4,27% và 14.226 hộ cận nghèo, chiếm 6,31% dân số. Năm 2022, Bạc Liêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng phía Bắc Quốc lộ 1A giảm 2%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 1%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm dưới 3%, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh còn dưới 10%.
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các địa phương giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.569 lao động, giảm 3,45% so với cùng kỳ do diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang còn phức tạp. Các ngành chức năng đã và đang nỗ lực để thực hiện các chính sách về lao động, hỗ trợ việc làm bằng nhiều giải pháp như mở rộng thu thập thông tin thị trường lao động từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động tại các huyện, thị xã, thành phố; giải quyết gần 2.568 hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức đào tạo nghề cho 1.864 người; tăng cường hoạt động sàn giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm…
Các cấp, các ngành thực hiện giúp đỡ hộ nghèo theo các chiều thiếu hụt và nguyên nhân nghèo từng hộ, đảm bảo thoát nghèo theo kế hoạch hàng năm đề ra. Duy trì tất cả người nghèo trong hộ nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ 1 năm thẻ bảo hiểm y tế và phấn đấu hỗ trợ 100% thẻ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo. Đặc biệt, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn; 100% người nghèo trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm...
Cùng với đó là hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cho vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật sản xuất kết hợp giải quyết đồng bộ các chính sách về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin - truyền thông... để người dân thoát nghèo nhanh, bền vững và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Riêng đối với nhóm hộ nghèo vừa thiếu hụt thu nhập, vừa thiếu hụt đa chiều, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo và các thành viên trong hộ để tăng thu nhập như: hỗ trợ phát triển sản xuất (vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống, dạy nghề, giới thiệu việc làm...) và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin - truyền thông...).
Đối với nhóm hộ nghèo về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tỉnh hỗ trợ trực tiếp, tạo các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ về sản xuất, tham gia thị trường lao động trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với nhóm hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt đa chiều về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (từ 3 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên), tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để xóa cho được tiêu chí thiếu hụt…
Tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, tranh thủ tốt hơn sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào Quỹ “An sinh xã hội”, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp. Đồng thời, địa phương tranh thủ sự đóng góp của các tổng công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng Quỹ “An sinh xã hội” Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, phấn đấu mỗi năm vận động đạt từ 100 - 120 tỷ đồng.
Đối với các hoạt động tín dụng, chính sách xã hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều – Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thị, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các xã, phường thị trấn rà soát đối tượng vay vốn để đảm bảo thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng và thực hiện tốt Chương trình tín dụng ưu đãi phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các ngành và Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt việc tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện để thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các huyện, thị, thành phố chủ động thực hiện và chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, nhất là cấp xã thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm, các nội dung được ủy thác; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chính sách xã hội và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tạo tiền đề mở rộng tín dụng bền vững để phát huy hiệu quả và bảo tồn nguồn vốn.
Ông Phạm Văn Thiều đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bố trí đủ nguồn vốn tăng trưởng hàng năm theo Đề án đã xây dựng (năm 2022 là 8,5%, năm 2023 là 9%), đồng thời bố trí đủ nguồn lực cho vay ưu đãi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ…/.
- Từ khóa:
- Bạc Liêu
- chính sách tín dụng