Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng sự tham gia của nhân dân vào việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
(TTXVN) Sáng 27/4, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam”.
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng sự tham gia của nhân dân vào việc xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức và nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội nước ta thời gian tới.
Khai mạc Hội thảo, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, bảo đảm an sinh xã hội luôn là một chủ trương, nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội mà trụ cột là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các thời kỳ đều nhấn mạnh chủ trương, quan điểm phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiến tới thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân.
Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến lĩnh vực này: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội… là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững hệ thống an sinh xã hội đất nước.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế có nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định tới từng người tham gia, thụ hưởng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân. 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của hơn 98 triệu dân; phát triển ứng dụng "VssID - bảo hiểm xã hội số"…
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm ổn định đời sống người dân, qua đó, khẳng định an sinh xã hội đã thực sự trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một thành công lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài. Chăm lo phúc lợi cho người dân là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta được thể hiện toàn diện, sinh động trên nhiều lĩnh vực, như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, xóa đói giảm nghèo...
Cùng với sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định vai trò quan trọng của người dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Theo đó, người dân tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm cho các chính sách được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và nguyện vọng chính đáng của người dân. "Đây là quá trình tương tác hai chiều, nhằm khuyến khích, huy động trí tuệ, nhận thức của người dân vào xây dựng chính sách an sinh xã hội", Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nêu.
Bên cạnh đó, nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách an sinh xã hội cung cấp cho cơ quan hoạch định chính sách thông tin về những mong muốn, nguyện vọng của người dân, những ưu điểm và hạn chế của các chính sách an sinh xã hội hiện hành. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước xác định chính xác hơn mục tiêu các công cụ, giải pháp chính sách mới ban hành, góp phần đưa chính sách sát với thực tế, phù hợp hơn đối với các yêu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng, thực hiện chính sách nói chung, chính sách an sinh xã hội nói riêng luôn là vấn đề quan trọng cho mỗi quốc gia. Khi nghiên cứu và xem xét vấn đề này, cần đặt trong bối cảnh rộng hơn, xem xét đến nhiều yếu tố liên quan về chính trị, pháp lý, văn hóa, đời sống xã hội, trình độ hiểu biết, nhận thức của người dân... phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ, phản ánh vai trò của tổ chức công đoàn, tổ chức hội phụ nữ, hội nông dân… trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp về sự tham gia của nhân dân trong xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam; công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò đồng bào trong thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp thúc đẩy sự tham gia của người dân trong xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế…
Kết luận hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng khẳng định, an sinh xã hội luôn là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách, chiến lược phù hợp, từng bước đáp ứng nhu cầu an sinh; mang lại những thành tựu to lớn, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội. Hệ thống pháp luật, chính sách an sinh xã hội ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Diện thụ hưởng chính sách ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực cho an sinh xã hội đất nước ngày càng lớn, được tăng cường từ ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn lực xã hội.
“Để có hệ thống an sinh xã hội đúng đắn, phù hợp, bền vững, một trong những yếu tố có tính quyết định là công tác dân vận cần phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội trong chiến lược phát triển, trên cơ sở phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách an sinh xã hội”, đồng chí Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Trên cơ sở phân tích, trao đổi đánh giá thực trạng, Hội thảo thống nhất một số giải pháp trọng tâm nhằm phát huy sự tham gia tích cực của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách an sinh xã hội như: Tiếp tục quán triệt tinh thần an sinh xã hội là hướng tới mục tiêu phát triển vì con người, lấy người dân làm trung tâm; cần có các phương thức, giải pháp bảo đảm để mọi người dân có thể tham gia xây dựng, thực hiện, tiếp cận, thụ hưởng an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội…/.
- Từ khóa:
- bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế