An sinh

Giám sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng COVID-19

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được triển khai linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định.

Người lao động tại Công ty Cổ phần May Đáp Cầu được hưởng lợi ích từ chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

(TTXVN) Ngày 26/4, Đoàn công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một trong hai địa phương đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 đợt thứ 4 và chịu ảnh hưởng nặng nề. Với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Bắc Ninh đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được triển khai linh hoạt, hiệu quả, đúng quy định.

Tỉnh Bắc Ninh đã giải quyết cho gần 418.000 lao động và hơn 5.900 doanh nghiệp hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Quốc hội về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ngày 24/9/2021. Tỉnh đã giải quyết hỗ trợ cho gần 86.000 lao động, người dân và 7 doanh nghiệp theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 9/4/2020; hỗ trợ hơn 7.300 đơn vị, doanh nghiệp, 368 hộ kinh doanh, 580.000 người theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ngày 1/7/2021.

Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí của địa phương và nguồn lực khác.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh về việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách; việc triển khai chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương; chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá về thị trường lao động và dự báo trong thời gian tới...

Tỉnh Bắc Ninh đề nghị các Bộ, ngành sớm tham mưu cho Chính phủ có chính sách đồng bộ để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; có các phương án tháo gỡ đối với tình hình nợ bảo hiểm xã hội; hướng dẫn cụ thể trong việc sử dụng khoản tiền được giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trao đổi với Đoàn công tác về những kinh nghiệm thực tế của tỉnh Bắc Ninh trong công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với mục tiêu hỗ trợ kịp thời, sớm đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, bình ổn sản xuất, bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đa dạng đối tượng và lĩnh vực. Đồng thời, tỉnh tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tiếp thu các ý kiến đóng góp của Đoàn, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn nữa các chính sách trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đánh giá cao sự chủ động, tích cực của tỉnh Bắc Ninh trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Kết quả, kinh nghiệm và những ý kiến đề xuất của địa phương là cơ sở để Ủy ban Xã hội tiếp thu, tổng hợp và trình Quốc hội, Chính phủ để bổ sung, chỉnh sửa chính sách, với mục tiêu các chính sách hỗ trợ thiết thực với người dân, thông thoáng trong triển khai thực hiện và có tác động an sinh xã hội tích cực./.

Thanh Thương

Xem thêm