Cải thiện năng lực cạnh tranh bằng chất lượng điều hành kinh tế và dịch vụ công
Qua 4 năm triển khai DDCI, tỉnh Sơn La đã thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện thủ tục hành chính.
Chiều 21/5, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị công bố kết quả “Chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI Sơn La) năm 2024”.
Qua 4 năm triển khai DDCI, tỉnh Sơn La đã thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện thủ tục hành chính. Sau khi có kết quả đánh giá DDCI, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch cải thiện chỉ tiêu, chỉ số thành phần còn yếu và đã có những cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh thuộc lĩnh vực, địa phương.
Năm 2024, điểm trung bình chung của khối huyện, thị xã, thành phố là 73,76 điểm, giảm 3,02 điểm so với năm 2021; điểm số trung bình của khối sở, ngành là 78,58 điểm, giảm 3,2 điểm so với năm 2021… Đây là kết quả dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát khách quan, trung thực cảm nhận của 1.300 doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với công tác quản lý, điều hành của hệ thống các cơ quan chính quyền cấp huyện và các sở, ngành của tỉnh. Kết quả này cho thấy chuyển biến tích cực trong tư duy điều hành, năng lực hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp của các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về thủ tục hành chính, sự phối hợp liên ngành, tính chủ động trong hỗ trợ doanh nghiệp...
Hội nghị đã phân tích kết quả DDCI Sơn La năm 2024 và đề xuất những giải pháp phát huy hiệu quả của DDCI Sơn La trong thời gian tới. Theo các ý kiến, để cải thiện năng lực cạnh tranh, tỉnh Sơn La cần ưu tiên cải thiện chất lượng điều hành kinh tế và dịch vụ công một cách đồng đều giữa các ngành; có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao tính năng động của lãnh đạo địa phương; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực hỗ trợ cơ bản như tín dụng, bảo hiểm xã hội, lao động và khoa học - công nghệ. Tỉnh cần tăng cường gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương với kết quả cải thiện môi trường kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, chuyển mạnh “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; tiếp tục duy trì đối thoại định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Minh đề nghị các sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả hồ sơ, thủ tục liên quan để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan và đơn vị tư vấn kỹ thuật nghiên cứu, tham mưu sửa đổi hoàn thiện phương pháp luận, đối tượng đánh giá Chỉ số cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế sau khi hoàn thành sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp. Trung tâm tiếp tục thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với các sở, ban, ngành, địa phương, đảm bảo thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch…
Dịp này, Ban Tổ chức đã vinh danh 6 đơn vị cấp huyện, sở, ngành có kết quả cao DDCI năm 2024./.
- Từ khóa:
- cạnh tranh
- kinh tế
- dịch vụ công