Kết quả đấu tranh khám phá các chuyên án cho thấy sự phức tạp, cam go trong cuộc chiến với tội phạm ma túy, thể hiện sự mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh bóc gỡ đường dây tội phạm của lực lượng chức năng.
TTXVN - Phòng, chống ma túy là cuộc chiến cam go, gian khổ thậm chí là hy sinh, nhưng hết sức quan trọng để giữ gìn bình yên cuộc sống. Với quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ, các lực lượng chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã điều tra, khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, qua đó ngăn chặn nguồn cung ma túy.
Phát hiện nhiều đường dây ma túy có yếu tố nước ngoài
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến trọng điểm: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc miền Trung - Tây Nguyên, Tây Nam. Đáng chú ý là tuyến đường hàng không, bưu điện. Thống kê của Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trong quý I/2023, Công an Thành phố đã triệt phá 461 vụ với 961 đối tượng (so với cùng kỳ tăng 207 vụ, tương ứng 81,5%), thu giữ trên 340 kg ma túy các loại, 6 khẩu súng cùng nhiều công cụ phương tiện liên quan. Tháng 3/2023, Công an Thành phố đã triệt phá 203 vụ với 353 đối tượng, thu giữ gần 174 kg ma túy các loại. Tháng 4/2023, con số tương ứng là 217 vụ phạm tội, 467 đối tượng, trên 67 kg ma túy và tháng 5 là 210 vụ, 467 đối tượng, thu giữ trên 55,5 kg ma túy các loại cùng nhiều công cụ, phương tiện liên quan.
Theo số liệu của Cục Hải quan Thành phố, từ 1/1 đến 14/3, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện 44 vụ vi phạm về lĩnh vực Hải quan, trong đó bắt giữ vi phạm về ma túy 8 vụ, tang vật là gần 15 kg ma tuý các loại. Lũy kế đến ngày 5/6, Cục đã chủ trì, phối hợp, phát hiện 1.166 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó phát hiện, bắt giữ 20 vụ ma túy, tang vật thu được là 43,21 kg ma túy các loại.
Những số liệu thống kê trên cho thấy thực trạng phức tạp của tội phạm ma túy trên địa bàn Thành phố. Qua các vụ án về ma túy mà lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh khám phá, tình hình tội phạm ma tuý trên tuyến đường hàng không đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều đường dây tội phạm có yếu tố nước ngoài; có băng nhóm tội phạm ma túy thiết lập đường dây không phải ở trong nước mà từ nước ngoài, lợi dụng sự thuận lợi của đường hàng không để vận chuyển ma túy về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đại diện Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo Hải quan Tân Sơn Nhất, đặc biệt là Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu tập trung kiểm tra, kiểm soát các đối tượng với tần suất di chuyển thường xuyên, nhất là các tuyến đường trọng điểm từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để sàng lọc, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm. Các loại đối tượng có sự thay đổi từ những đối tượng ngoài xã hội có mối quan hệ phức tạp, thành phần là khách nước ngoài, người Việt Nam, khách du lịch… đến nay xuất hiện nhóm đối tượng mới như tiếp viên hàng không.
Điển hình như vụ xảy ra vào ngày 16/3, Cục Hải quan Thành phố phát hiện hành lý của bốn tiếp viên hàng không từ Pháp về Việt Nam có chứa hơn 10 kg ma túy. Từ đó, Công an Thành phố đã lập chuyên án để truy xét, mở rộng. Kết quả đến nay đã phối hợp Công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức khởi tố 46 vụ án với 120 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 37 đối tượng, thu giữ hơn 60 kg ma túy các loại, nhiều súng, đạn và tang vật khác có liên quan.
Vào cuối tháng 4/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám phá Chuyên án 120B: triệt phá toàn bộ đường dây mua bán, bào chế, đóng gói thuốc lắc (MDMA) do đối tượng Lê Minh Trí (tức Trí "cá voi", sinh năm 1990) cầm đầu; bắt giữ 21 đối tượng; thu giữ hơn 18.000 viên ma túy tổng hợp, 900 gram ketamine, 120 gói "nước vui", 21 gói chứa chất tinh thể không màu và các viên nén các loại (hiện đang tiến hành giám định), cùng toàn bộ phương tiện, thiết bị, nguyên liệu để phục vụ quá trình bào chế, nghiên cứu sản xuất thuốc lắc. Băng nhóm này lợi dụng dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh quốc tế, giao hàng tận nơi để đưa nguyên liệu từ châu Âu về Thành phố Hồ Chí Minh bào chế thành ma tuý tổng hợp thành phẩm.
Trận đánh lớn trong cuộc chiến với tội phạm ma túy
Đường dây ma túy của Trí “cá voi” là đường dây quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, được Ban Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh giao Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố trực tiếp chỉ đạo xác lập chuyên án, huy động hàng trăm cán bộ trinh sát, điều tra viên của các phòng nghiệp vụ Cảnh sát, Công an quận Bình Thạnh, Công an huyện Hóc Môn, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá được đường dây này.
Trước đó, vào khoảng tháng 9/2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - PC04 Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một nhóm đối tượng cung cấp ma túy dạng viên với số lượng lớn. Qua xác minh, đây là đường dây bào chế, mua bán trái phép chất ma túy với tính chất và quy mô phức tạp nên đơn vị xác lập Chuyên án bí số 120B để đấu tranh, làm rõ. Sau 4 tháng liên tiếp điều tra, đầu năm 2022, Ban Chuyên án xác định nhóm đối tượng này đang bào chế, mua bán trái phép chất ma túy.
Cầm đầu tổ chức tội phạm này là "ông trùm" Trí "cá voi", tức Lê Minh Trí. Trợ thủ đắc lực cho Trí trong việc bào chế ma túy là Thái Cẩm Tâm, Trần Hải Lý; giúp sức mua bán "hàng" là Phan Bảo Hùng; mẹ ruột Trí là Nguyễn Ngọc Hà phụ giúp việc phụ trách theo dõi, giám sát quá trình bào chế, đóng gói ma túy do Tâm và Lý thực hiện. Trí là đầu mối liên lạc với các đối tượng bên châu Âu để đặt mua nguyên liệu (bột ma túy), vận chuyển qua tuyến hàng không hoặc đường bưu điện về Thành phố Hồ Chí Minh. Nhập được nguyên liệu, Trí chỉ đạo cho Tâm, Lý đi nhận về và tiến hành bào chế. Khi đã ra ma túy thành phẩm, Trí sẽ tìm nguồn tiêu thụ và giao cho Hùng trực tiếp vận chuyển "hàng" đi bán cho các đầu nậu.
Đáng nói là trong đường dây nay, “ông trùm” Trí "cá voi" có địa vị xã hội, có trình độ học vấn, am hiểu tinh tường về lĩnh vực hóa dược và các quy định của pháp luật. Đối tượng đã dày công tìm tòi, học hỏi phương pháp bào chế, dập viên và đóng gói ma túy thành phẩm. Phương pháp bào chế do Trí tự nghiên cứu ra, sau đó dạy lại cho Thái Cẩm Tâm và Trần Hải Lý thực hiện. Chưa dừng lại ở việc sản xuất ma túy thông thường, đến tháng 3/2021, đối tượng còn nghiên cứu ra tỷ lệ pha trộn ma túy mới để nâng cao lợi nhuận, cho ra những viên thuốc lắc có tính chất mạnh và nhiều hình dạng khác nhau, kích thích thị hiếu người dùng. Tới tháng 3/2022, do dịch COVID-19 bùng phát khiến nguồn cung cấp nguyên liệu từ nước ngoài hạn chế, bên cạnh đó việc đối tượng cung cấp ma túy tại Pháp và một đầu mối tiêu thụ của nhóm đối tượng này bị bắt, Trí, Tâm, Lý ngưng hoạt động một thời gian. Các đối tượng thay đổi nơi ở, số điện thoại, phương tiện và chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị từ căn nhà ở xã Xuân Thới Thượng về nhà không số thuộc ấp Tân Thới, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn.
Đầu năm 2023, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, Trí và đồng bọn có dấu hiệu hoạt động trở lại. Sau khi làm rõ toàn bộ hoạt động phạm tội của nhóm đối tượng này và các đầu mối có liên quan, ngày 20/4/2023, lực lượng trinh sát của Phòng PC04 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khám phá, bắt giữ 5 đối tượng, gồm: Nguyễn Minh Trí, Thái Cẩm Tâm, Trần Hải Lý, Phan Bảo Hùng, Nguyễn Ngọc Hà. Qua khai thác thông tin từ Trí và Hùng, đơn vị mở rộng được hai nhánh đầu mối tiêu thụ do Sơn Kỳ Anh và Vũ Huỳnh Bảo Ngọc cầm đầu. Kết quả truy xét mở rộng, đơn vị bắt 18 đối tượng có liên quan.
Kết quả đấu tranh khám phá Chuyên án 120B không chỉ cho thấy sự phức tạp, cam go trong cuộc chiến với tội phạm ma túy mà còn thể hiện sự mưu trí, dũng cảm, nhạy bén và sáng tạo trong sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, quyết tâm cao trong đấu tranh bóc gỡ đường dây tội phạm xuyên quốc gia của các lực lượng chức năng. Đây cũng là kết quả công tác vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, tổ chức xã hội trong phòng, chống tội phạm, tạo thế trận vững chắc bảo đảm an ninh, trật tự tuyến biên giới./.