Sức khỏe

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết chuyển nặng

Ninh Bình

Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý dùng thuốc và điều trị tại nhà.

Cán bộ y tế tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

TTXVN - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn đã có các ca bệnh sốt xuất huyết nặng phải chuyển viện lên tuyến Trung ương điều trị, đồng thời có 2 ca tử vong. Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Sốt cao không hạ nhưng lại không nghĩ mình bị sốt xuất huyết, ông Lê Đức Duông, (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) đã tự uống thuốc hạ sốt tại nhà. Đến khi có dấu hiện lả người, ông mới nhập viện. Lúc này, tiểu cầu đã hạ xuống mức rất nguy hiểm. Sau 3 ngày điều trị, ông đã xuất viện và nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch, từ đó nêu cao ý thức phòng, chống, bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng.

Cán bộ y tế tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân tại xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Trong tháng 9 và 10, xã Yên Mạc đã ghi nhận 6 ca mắc sốt xuất huyết. Chính quyền địa phương đã phối hợp với đội ngũ y, bác sỹ từ huyện tới cơ sở tăng cường giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp diệt lăng quăng; kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước nơi muỗi sinh sản, phun hóa chất diệt muỗi ở khu dân cư và nơi có ổ dịch. Bên cạnh đó, ngành Y tế tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi phòng bệnh của cộng đồng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình, tính đến ngày 10/11, tỉnh ghi nhận 492 ca bệnh sốt xuất huyết. Số ca bệnh có độ tuổi từ 1 - 97 tuổi, độ tuổi trung bình là 36,5, trong đó có 29 trẻ em dưới 15 tuổi, có một người nước ngoài. Trong số các ca bệnh trên, 7 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải chuyển viện Trung ương điều trị. Đặc biệt có 2 ca tử vong vào ngày 1 và 4/11.

Số ca mắc và số ổ dịch sốt xuất huyết tăng nhanh tại Ninh Bình trong 3 tháng gần đây. Số trường hợp mắc sốt xuất huyết cao nhất ở tháng 10 với 222 ca, 50 ổ dịch; tháng 9 với 134 ca, 30 ổ dịch; tháng 8 với 54 trường hợp, 7 ổ dịch. Từ 1-11/11 đã có 51 trường hợp mắc mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các địa phương. Các đoàn sẽ kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong thời điểm hiện nay, trong đó tập trung vào giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch; truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết tại các Trung tâm Y tế, Trạm Y tế trên địa bàn các huyện, thành phố.

Ngành Y tế Ninh Bình nhận định, thời tiết có mưa và nền nhiệt độ dao động từ 25-30⁰C là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển; học sinh, sinh viên đi về từ các nơi có dịch, lưu lượng khách du lịch đến Ninh Bình tăng cao sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh dễ lây lan. Một số ổ dịch đang có nhiều trường hợp thứ phát. Công tác xử lý ổ dịch chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng hơn. Người dân có tâm lý chủ quan phòng, chống dịch, không tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh và đến cơ sở y tế muộn.

Bác sỹ Trần Văn Thiện, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình cho biết, sốt xuất huyết được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính phức tạp, nguy hiểm, có mức độ lây nhiễm nhanh trong cộng đồng, dễ bùng phát thành dịch với số mắc lớn. Người bệnh ở thể nặng nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Theo bác sỹ Trần Văn Thiện, môi trường sống tại nhiều khu dân cư không đảm bảo vệ sinh, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, nhiều ao tù, nước đọng… là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, đẻ trứng và gây ra bệnh sốt xuất huyết. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cấp 87 lít hóa chất cho 8 huyện, thành phố và 80 lọ hóa chất diệt bọ gậy, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị mượn máy phun ULV, máy phun mù nóng để xử lý các ổ dịch sốt xuất huyết. Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát véc tơ, giám sát bệnh nhân, xử lý các ổ dịch.

Bác sỹ Trần Văn Thiện khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Người dân cần tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý dùng thuốc và điều trị tại nhà./.

Hải Yến

Xem thêm