Sức khỏe

Giá thuốc của Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực

Ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay mới ở gần cấp độ 3 với 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc generic và xuất khẩu được một số dược phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

TTXVN - Hội nghị Khoa học Dược châu Á (AFPS) năm 2023 với chủ đề “Hợp tác để đột phá trong khoa học dược” đã khai mạc sáng 8/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Trường Đại học Dược Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Khoa học Dược châu Á và Trường Đại học Y Dược Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 8-10/11.

Đây là hội nghị chuyên ngành dược lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, diễn ra luân phiên 2 năm một lần giữa 24 nước thành viên của Liên đoàn. Hội nghị năm nay thu hút hơn 500 đại biểu tham gia trực tiếp và gần 100 đại biểu tham gia trực tiếp trong nước, quốc tế trong đó có gần 200 đại biểu đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, 350 báo cáo viên (oral và poster).

Đại biểu trình bày báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Theo Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, tính đến năm 2022, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt gần 7 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,6%. Tiền thuốc bình quân đầu người đã đạt 75 USD. Hiện nay, tại Việt Nam có 228 doanh nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP, trong đó đã có 17 cơ sở được chứng nhận EU-GMP, tương đương EU-GMP và PIC/S-GMP.

Ngành công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn hiện nay mới ở gần cấp độ 3 với 90% nguyên liệu nhập khẩu, sản xuất thuốc generic và xuất khẩu được một số dược phẩm. Thị trường dược phẩm nói chung tương đối bình ổn, nhóm hàng thuốc chữa bệnh cho người bệnh luôn thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung. Giá thuốc tại Việt Nam nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Nhân viên y tế lấy thuốc cấp cho bệnh nhân (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Để từng bước phát triển bền vững ngành Dược Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 tai Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023. Hội nghị lần này và các sự kiện bên lề là diễn đàn chia sẻ, trao đổi kiến thức, cập nhật kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, cán bộ y tế, nhà sản xuất dược phẩm, hoạch định chính sách nhằm hướng tới một hệ thống y tế bền vững, hội nhập, hoàn thiện về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành dược; nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cùng với đó là việc đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển thuốc và nguyên liệu thuốc; thúc đẩy hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược…

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội chia sẻ: Việc nghiên cứu phát triển ra một thuốc mới đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau. Sau khi thuốc được đưa vào sử dụng vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi để đảm bảo thuốc được sử dụng an toàn hợp lý, đảm bảo hiệu quả chi phí điều trị cho người bệnh và xây dựng chính sách liên quan hợp lý nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích tất cả các bên.

(Ảnh: AFP/TTXVN)

Khoa học Dược không phải là một ngành khoa học đơn thuần mà là một lĩnh vực đa ngành. Từ thế kỷ XIX, sự phát triển của lĩnh vực tổng hợp hóa học đã góp phần giúp tìm ra các thuốc mới và có thể sản xuất ở quy mô lớn, hình thành ngành công nghiệp dược phẩm. Sang thế kỷ XX, sự phát triển của sinh học phân tử và di truyền học đã giúp con người hiểu sâu sắc về cơ chế bệnh sinh, nguyên nhân gây bệnh. Điều này đã dẫn đến những thay đổi căn bản trong cách tiếp cận nghiên cứu phát triển thuốc mới hiện nay. Đó là nghiên cứu thuốc nhắm trúng đích phân tử là nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, con người đã tạo ra thuốc tác dụng thực sự đặc hiệu hơn, ít độc tính và ít tác dụng phụ...

Tại hội nghị, các đại biểu báo cáo và thảo luận với 6 chủ đề thuộc các lĩnh vực chuyên ngành dược. Đó là dược lâm sàng - Dược xã hội và Quản lý dược; dược lý và khoa học y sinh; nghiên cứu phát triển thuốc; bào chế và hệ thống phân phối thuốc; hợp chất tự nhiên và y dược học cổ truyền; phân tích dược, phân tích sinh học và tương đương sinh học./.

Thanh Giang

Xem thêm