Thực thi chính sách

Cao Bằng quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cao Bằng

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là động lực để thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.

Một bản làng người dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

TTXVN - Kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.

Trương Lương là xã vùng III của huyện Hòa An, có 8/9 xóm đặc biệt khó khăn, 380 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm hơn 40,6%); địa hình rộng, bị chia cắt, dân cư sống rải rác, một số xóm ít đất canh tác, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Ông Lãnh Hứa Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trương Lương cho biết, năm 2022, xã được phân bổ 4,2 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn vốn này, Trương Lương thực hiện hỗ trợ xây nhà ở; đăng ký xóa nhà tạm, nhà dột nát. Số vốn còn lại, xã đầu tư vào các hạng mục, đặc biệt là các hạng mục hỗ trợ địa phương về đích nông thôn mới vào năm 2025. Nhờ đó, xã Trương Lương đã vơi bớt phần nào khó khăn.

Được giao chủ trì thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ban điều hành, tổ chức các lớp tập huấn cho hàng nghìn đối tượng. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nông Thị Tuyết cho biết, năm 2022, Hội đã tổ chức 40 hội nghị tập huấn triển khai các nội dung Dự án 8; đối thoại chính sách, công tác giám sát và đánh giá dự án cho trên 2000 đại biểu. Các cấp Hội đã thành lập 168 tổ truyền thông cộng đồng; 13 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…

Năm 2023, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ huyện Trùng Khánh, Hà Quảng làm điểm thực hiện Dự án 8; tổ chức các cuộc khảo sát, tập huấn, hướng dẫn cơ sở thành lập, vận hành các mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ; tổ chức các sự kiện, truyền thông về xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại cơ sở…

Xây dựng đường tại một bản làng người dân tộc thiểu số vùng núi Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Thạch An là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Cao Bằng có 12/14 xã, thị trấn thuộc khu vực III, 69/95 xóm đặc biệt khó khăn với trên 3.700 hộ nghèo (chiếm 46,7%). Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Thạch An xác định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vai trò quan trọng trong giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 2022, huyện được giao gần 75 tỷ đồng để triển khai chương trình. Đến ngày 31/1/2023, huyện giải ngân vốn đầu tư trên 43 tỷ đồng.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Thạch An Nông Thị Huệ cho biết, năm 2023, huyện được giao vốn đầu tư trên 58 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chương trình, từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác của cộng đồng tham gia chương trình. Cùng với đó, Thạch An đẩy nhanh tiến độ phân bổ nguồn vốn và tổ chức triển khai đồng bộ các dự án thành phần đảm bảo theo trình tự, thủ tục quy định; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 7.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do vướng cơ chế và hướng dẫn để giải ngân, một số sở, ngành và các địa phương đã xin trả lại kinh phí sang năm 2023. Trong đó, tất cả các huyện xin trả lại kinh phí thực hiện các dự án 1, dự án 5 và 7.

Xây dựng bể chứa nước sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Cùng với đó, việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách là Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các hạng mục như khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; trồng rừng… là công việc lớn đối với cấp xã, trong khi đó, hầu hết các xã đều thiếu cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp. Điều này đang ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

Năm 2023, tỉnh Cao Bằng dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình hơn 1.500 tỷ đồng. Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, để đạt được mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động điều chuyển vốn thực hiện các nội dung chưa có đầy đủ văn bản, hướng dẫn thực hiện sang các nội dung đã có đầy đủ căn cứ, hướng dẫn thực hiện…

Tỉnh Cao Bằng tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho chương trình, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, an sinh xã hội, y tế, giáo dục-đào tạo, bình đẳng giới.../.

Chu Hiệu

Xem thêm