Mục tiêu trong năm 2023 của tỉnh Cao Bằng là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 4% trở lên.
TTXVN - Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cao Bằng đề ra kế hoạch vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 7.500 tỷ đồng. Để thực hiện thành công chương trình, Cao Bằng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng dân tộc thiểu số.
Trong tổng số vốn gần 7.500 tỷ đồng, năm 2022, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện được trên 820 tỷ đồng. Dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2023 hơn 1.500 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm 2023 là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 4% trở lên; trên 100 km đường giao thông liên xã, đường từ huyện đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; trên 300 km đường liên xóm thôn có đường được cứng hóa...
Tỉnh Cao Bằng phấn đấu có thêm ít nhất 20 trường và trên 20 trạm y tế được xây dựng kiên cố; ít nhất 1% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Ít nhất 100 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư mới; 20% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, để đạt được mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi năm 2023, tỉnh Cao Bằng tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho chương trình, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, bình đẳng giới...
Các cấp, các ngành chủ động triển khai chương trình; chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai, phổ biến đầy đủ các chính sách, cơ chế, quy định đến cơ sở, cộng đồng dân cư, người dân tham gia thực hiện chương trình; đồng thời, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia giám sát thực hiện chương trình theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tỉnh sẽ xây dựng hệ thống giám sát, kiểm tra, đánh giá đồng bộ, toàn diện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan; phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình.../.