An sinh

Phát triển mạng lưới y học cổ truyền trong tình hình mới

Lạng Sơn

Lạng Sơn có đặc điểm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu quý, với 933 loài, 564 chi, 186 họ thuộc 6 ngành thực vật và nấm có giá trị làm thuốc.

TTXVN - Ngày 20/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.

Tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền. (Ảnh: BV)

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm ghi nhận những thành tích và đóng góp tích cực của ngành Y tế, Hội Đông y các cấp trong 15 năm qua; đồng thời đề nghị các cấp, ngành, Hội Đông y các cấp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu”, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác đông y và Hội Đông y trên địa bàn.

Các cấp, ngành, Hội Đông y các cấp củng cố khoa Y học cổ truyền trong các cơ sở y tế; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng Y học cổ truyền, kết hợp giữa Y học cổ truyền với y học hiện đại; tăng cường củng cố và phát triển tổ chức, mạng lưới y học cổ truyền cơ sở; phát triển nguồn dược liệu trên địa bàn, xây dựng quy hoạch vùng bảo tồn gen dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu tập trung; xây dựng hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ nhằm thu hút đội ngũ cán bộ y học cổ truyền có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, y bác sĩ y học cổ truyền nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tại đây, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và thống nhất nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền Đông y và Hội Đông y của tỉnh trong thời gian tới.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Toàn cho biết, địa phương có đặc điểm địa hình, địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng phù hợp với nhiều loại cây dược liệu quý. Trên địa bàn có 933 loài, 564 chi, 186 họ thuộc 6 ngành thực vật và nấm có giá trị làm thuốc. Đây là nguồn cung dược liệu dồi dào đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, sản xuất, chế biến, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; phục vụ công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 24, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện tới cán bộ, đảng viên, hội viên, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Địa phương đã đầu tư xây dựng Bệnh viện y học cổ truyền quy mô 150 giường bệnh; 100% bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều có khoa y học cổ truyền hoặc tổ y học cổ truyền; 100% các trạm y tế xã có hoạt động y học cổ truyền lồng ghép trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 410 vườn thuốc của các lương y; phần lớn các trạm y tế xã đều có vườn thuốc mẫu phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng trong khám, chữa bệnh; 35 phòng chẩn trị y học cổ truyền tư nhân, 10 phòng khám đa khoa tư nhân có khám chuyên khoa y học cổ truyền.

Hội Đông y trên địa bàn từng bước được củng cố và phát triển, hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 1.483 hội viên thuộc 11 huyện, thành phố; 200/200 xã, phường, thị trấn có Hội Đông y cấp xã. Các cấp Hội thường xuyên quan tâm trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, nghiên cứu chuyên sâu, nhất là các bài thuốc hay, những sáng tạo trong khám, chữa bệnh.

Hội thường xuyên làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tới hội viên; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ thầy thuốc, lương y, góp phần giữ gìn, phát huy di sản y học của dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, số lượng, chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tại các cơ sở y tế công lập ngày càng tăng.

Từ năm 2016 đến nay, Lạng Sơn đã thu hút được 11 dự án đầu tư phát triển và chế biến dược liệu với tổng vốn hơn 2.382 tỷ đồng. Những năm qua, tổng kinh phí đầu tư của tỉnh cho phát triển y học cổ truyền là hơn 200 tỷ đồng.

Hàng năm, trên cơ sở ngân sách được giao, các huyện, thành phố đều bố trí nguồn kinh phí nhất định để cải tạo, sửa chữa khoa Y học cổ truyền tại các cơ sở y tế để đạt Bộ tiêu chí quốc gia cũng như công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế về công tác y dược học cổ truyền... với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng 10 tập thể và 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2022./.


Anh Tuấn

Xem thêm