Mô hình Trung tâm Hành chính công hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
TTXVN – Sau 6 năm thành lập (2017-2023), Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh đã phát huy được tính độc lập, chủ động, sáng tạo trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng mới, thu hút các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước.
Đến nay, tỉnh đang tiếp tục đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép duy trì mô hình theo Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 17/4/2017.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Hành chính công tỉnh hiện đang thực hiện niêm yết 1.481 thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp và trực tuyến của 21 cơ quan, đơn vị; trong đó, có 1.454 thủ tục của 17 sở, ngành thuộc UBND tỉnh; 27 thủ tục của 4 cơ quan, đơn vị ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn. Tính đến tháng 8/2023, Trung tâm tiếp nhận, giải quyết hơn 552.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó, hơn 53.000 hồ sơ được giải quyết theo hình thức “5 tại chỗ”. Tỷ lệ hồ sơ trả đúng và sớm trước thời hạn đạt 99,5%; hồ sơ trực tuyến toàn tỉnh đạt 53,62%; hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện số hóa đạt 57,62%. Kết quả trên đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số đánh giá địa phương, đặc biệt chỉ số thành phần về chi phí thời gian trong bộ chỉ số PCI hàng năm đều đạt kết quả cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho biết, mô hình Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND tỉnh được thành lập trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, kết hợp với việc nghiên cứu học tập các mô hình tiên tiến hiệu quả tại một số quốc gia trên thế giới và các địa phương trong nước. Mô hình áp dụng linh hoạt các quy định hiện hành vào điều kiện thực tế của địa phương cũng như thực hiện có hiệu quả “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp” và mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp”. Mô hình hướng tới mục tiêu phục vụ tốt nhất nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Với thông điệp “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, mô hình đã tạo bước chuyển biến mới trong văn hóa ứng xử giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trung tâm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát các nhóm thủ tục hành chính trên tất cả lĩnh vực. Từ năm 2018 đến nay, có hơn 850 thủ tục hành chính thuộc các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông... cắt giảm thời gian thực hiện từ nửa ngày đến 10 ngày; trong đó, có hơn 30% thủ tục hành chính được cắt giảm thời gian theo cơ chế “5 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đổi mới công tác theo dõi, giám sát thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường theo hướng rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm, công khai “thư xin lỗi” đối với các hồ sơ quá hạn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Hàng tháng, Trung tâm tiếp nhận từ 200 - 250 lượt hỏi của công dân, doanh nghiệp qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử... tất cả đều được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Việc duy trì mô hình Trung tâm Hành chính công trực thuộc UBND tỉnh là điều cần thiết trong bối cảnh Bắc Ninh đang từng bước thực hiện chuyển đổi số toàn diện, chuyển đổi cách thức cung cấp các dịch vụ hành chính công. Trung tâm là địa chỉ tin cậy, trực tiếp cung cấp dịch vụ, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân bắt kịp xu hướng mới trong tiến trình chuyển đổi số; giúp UBND tỉnh giám sát, kiểm soát công tác giải quyết thủ tục hành chính chặt chẽ hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Ninh hiện đã khẳng định vị thế, vai trò trong việc tham mưu các giải pháp về cải cách hành chính; là cầu nối cung ứng dịch vụ hành chính công từ hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp; thực hiện kết nối, hỗ trợ cơ quan hành chính Nhà nước phục vụ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của tổ chức, cá nhân công khai, minh bạch; đồng hành cùng người dân, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết thủ tục hành chính của từng đơn vị liên quan./.