Xã hội

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Hậu Giang

Thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ và những bạn trẻ có điều kiện kết nối, chia sẻ kinh nghiệm về hình thành ý tưởng, xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các diễn giả trình bày ý tưởng tại Hội thảo. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Ngày 18/5, trong khuôn khổ “Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023”, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".

Tại Hội thảo, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhằm góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Hậu Giang đã tích cực triển khai thực hiện và đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa nội dung, mục tiêu thực hiện.

Qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương cơ quan đã được hình thành, phát triển. Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ được hình thành, các mô hình kinh doanh mới, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bước đầu được hình thành, từng bước đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn, thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà lãnh đạo, nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ và những bạn trẻ có điều kiện gặp gỡ, kết nối chia sẻ kinh nghiệm quý báu về hình thành ý tưởng, xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thực sự có sự phát triển khởi sắc, vượt bậc, xứng đáng với những tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, đi sâu phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm về cơ hội và thách thức của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp định hướng phát triển góp phần tạo điều kiện thúc đẩy tổ chức, cá nhân thực hiện thành công mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của mình trong thời gian tới.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ về bức tranh đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, những giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những câu chuyện điển hình, cách thức kêu gọi hợp tác từ dự án khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên cao cấp Chương trình đào tạo Khởi sự và Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, hiện nay, các doanh nghiệp đang trong thời kỳ của sự thay đổi, thời kỳ của sự cạnh tranh, thời kỳ của khách hàng và tuổi thọ của doanh nghiệp trở nên ngắn hơn. Đối với các doanh nghiệp có tuổi thọ lâu dài thường có đặc điểm chung là tập trung vào khách hàng, không ngừng đổi mới sáng tạo, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Do đó, cần tổ chức các cuộc thi về đổi mới sáng tạo; thành lập vườn ươm doanh nghiệp; liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và các Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đồng thời, kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, quỹ đầu tư nội địa, quỹ phát triển khoa học công nghệ; kết hợp hoặc liên kết các chương trình dự án quốc tế trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại địa phương; thống nhất chương trình, giáo trình trong huấn luyện, đào tạo về đổi mới sáng tạo.

Gợi ý các giải pháp liên kết thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, CEO Songhan Incubator cho rằng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có tổ chức điều phối chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng để có định hướng, tối ưu hóa nguồn lực khi triển khai; có hệ thống đánh giá, đo lường phát triển và hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp vùng hằng năm; xây dựng mạng lưới kết nối nguồn lực chuyên sâu, chính sách, nhà đầu tư, trung tâm hỗ trợ, trung tâm ươm tạo.

Bên cạnh đó, cần tổ chức hội thảo, diễn đàn đổi mới sáng tạo, tổ chức các chương trình sự kiện đổi mới sáng tạo cộng đồng, chương trình đào tạo, tập huấn, cuộc thi khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp; nghiên cứu, học tập, tham quan, kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín, các chuyên gia hệ sinh thái khởi nghiệp có kinh nghiệm. Vùng cần kết nối tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, vùng, quốc gia, các nhà đầu tư; kiến tạo các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm ươm tạo; tạo ra hệ thống và mạng lưới hỗ trợ tư vấn, kết nối nguồn lực, thị trường cho khởi nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác khởi nghiệp với các viện, trường, hiệp hội và cộng đồng các địa phương; quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp tham gia thị trường vùng, quốc gia, quốc tế./.

Hồng Thái

Tin liên quan

Xem thêm