Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2023, Sở đã nhận được có 55 kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc về các vấn đề: quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, giao thông, cơ chế chính sách, vốn, khí mỏ, điện, môi trường.
TTXVN - Ngày 18/5, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2023.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2023 đã nhận được có 55 kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp. Các đề xuất, kiến nghị hầu hết đã được các cấp, ngành chức năng trả lời. Tại hội nghị, các doanh nghiệp tiếp tục có 9 ý kiến kiến nghị, đề xuất cần tháo gỡ vướng mắc về các vấn đề: quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, giao thông, cơ chế chính sách, vốn, khí mỏ, điện, môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận tiếp thu các ý kiến và chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, phân loại theo nhóm các ý kiến của doanh nghiệp; tập hợp, báo cáo về Trung ương đối với các ý kiến liên quan đến quy định của Trung ương.
Với các ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, huyện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện trực tiếp giải quyết, tránh trả lời các doanh nghiệp theo kiểu "cho xong", cần trả lời theo hướng phải giải quyết, tháo gỡ được vấn đề.
Với nhóm ý kiến liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh, ông Nguyễn Khắc Thận yêu cầu phân loại, giao cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết.
Đối với ý kiến của nhà đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đề nghị điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp Trà Linh (huyện Thái Thụy), Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, vấn đề này đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Khu công nghiệp trả lời. Quan điểm của tỉnh là hạn chế phát triển cụm công nghiệp trong khu kinh tế. Tỉnh sẽ điều chỉnh hợp lý, đảm bảo đúng pháp lý và đảm bảo phát triển khu kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư hạ tầng đề nghị hỗ trợ việc san lấp mặt bằng theo Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, quyết định này chỉ có hiệu lực đến năm 2020. Đối với ý kiến về chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, tỉnh đã tiếp thu, giao Sở Tài nguyên và Môi trường thống nhất, báo cáo lên Chính phủ. Về chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng diện tích đất lúa, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, "đây là điểm nghẽn", Thái Bình đang linh hoạt vận dụng. Tới đây, Chính phủ sẽ ủy quyền cho cấp tỉnh quyết định...
Về các ý kiến liên quan đến thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tiếp thu, khẳng định sẽ nỗ lực cải thiện hơn nữa. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các huyện chấn chỉnh cán bộ về tinh thần phục vụ, nâng cao trách nhiệm phục vụ doanh nghiệp, người dân. Về vấn đề xử lý rác, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện chủ động quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác.../.
- Từ khóa:
- Thái Bình
- tháo gỡ khó khăn
- doanh nghiệp