An sinh

Chung tay kết nối cung - cầu lao động

TP. Hồ Chí Minh

Để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hơn 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến; riêng quý II/2023, sẽ tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm...

TTXVN - Trước tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, nhiều người lao động ở khu vực phía Nam bị mất việc làm, trong đó tỷ lệ nghỉ việc, giãn việc cao nhất thuộc về ngành da giày, dệt may, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến đồ gỗ xuất khẩu... Các ngành chức năng địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

* Kết nối cung - cầu lao động

Nhiều sinh viên, học sinh trường nghề năm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho biết, dự kiến đến hết quý II/2023, Thành phố cần khoảng 67.000-73.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử-công nghệ, thông tin; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su) cần 14.000 - 15.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu (gồm thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính, viễn thông và thông tin truyền thông; tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ thông tin tư vấn - khóa học công nghệ; giáo dục - đào tạo; y tế) cần 38.800-42.300 chỗ làm việc.

Để hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, Sở tổ chức hơn 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến. Riêng trong quý II/2023, sẽ tổ chức 47 phiên, sàn giao dịch việc làm. Ngoài ra, 3 sàn giao dịch việc làm trực tuyến phối hợp với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ cũng sẽ được triển khai.

Cũng theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, gần 72% doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định lực lượng lao động và khoảng 21% doanh nghiệp dự kiến tăng lao động.

Ông Nguyễn Văn Lâm khẳng định: “một số ngành trong lĩnh vực gia công đơn hàng không được như những năm trước và cũng gặp khó khăn do tình hình thế giới, nên đơn hàng chỉ ổn định đến tháng 6, 7, sau đó doanh nghiệp tiếp tục tìm đơn hàng mới để duy trì sản xuất và tạo việc làm ổn định cho người lao động”.

Tại Đồng Nai, để giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động trong năm 2023, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Trần Thị Thùy Trâm, cho biết, sẽ tăng cường thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp đến lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp người lao động sớm tìm được việc làm. Đối với doanh nghiệp chưa tuyển được hoặc tuyển chưa đủ lao động, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ đăng tin tuyển dụng tại văn phòng, cổng thông tin điện tử, Zalo, fanpage do Trung tâm quản lý.

Với những doanh nghiệp và người lao động không thể tham gia phỏng vấn trực tiếp tại sàn, Trung tâm hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin giúp người lao động liên hệ với doanh nghiệp nộp hồ sơ phỏng vấn; tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại trụ sở chính và 5 văn phòng đại diện tại các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo mọi điều kiện để người lao động thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.

Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được Trung tâm hướng dẫn đăng ký học nghề miễn phí để có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với xu thế việc làm mà các doanh nghiệp đang cần như: sửa chữa thiết bị may, may trang phục, tin học, kế toán… Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Công ty Dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa đào tạo lao động về kỹ thuật ẩm thực, làm bánh, pha chế thức uống, trang điểm, cắt tóc. Sau khóa học, người lao động được cấp chứng chỉ nghề và giới thiệu vào làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động ngoại tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tạo việc làm cho hơn 11.200 lao động. Tuy nhiên, tỉnh cũng có hơn 36.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, trong khi dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 chỉ cần khoảng 8.000-10.000 lao động. Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phương cho biết, năm 2023, Trung tâm có kế hoạch mở 37 phiên giao dịch việc làm online và trực tiếp, tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh số phiên theo thực tế lượng lao động tìm việc và nhu cầu của doanh nghiệp.

Với lao động mất việc, Trung tâm sẽ tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn các chính sách giúp người lao động hiểu hơn về lợi ích của bản thân, đồng thời tư vấn học nghề cho lao động (sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng-điện công nghiệp, vi tính văn phòng, nấu ăn, cắt uốn tóc…). Trong tình hình khó khăn hiện nay, Trung tâm còn hỗ trợ mọi hình thức giúp lao động tìm được việc làm, có thu nhập, như các công việc thời vụ, giúp việc gia đình, phụ quán…

Đối với Thành phố Cần Thơ, bên cạnh mô hình ký kết hợp tác 3 bên nhà trường - trung tâm - doanh nghiệp, định kỳ hằng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố gửi email đến các doanh nghiệp để thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng và kịp thời đăng tải trên các kênh do Trung tâm quản lý, niêm yết trên bảng “Thông tin việc làm trong nước” tại trụ sở làm việc của Trung tâm; gửi thông tin đến các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố thông qua hòm thư ketnoivieclamcantho@gmail.com nhờ phối hợp thông tin…

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, đăng tải thông tin tuyển dụng của 94 lượt doanh nghiệp, với tổng số hơn 1.000 việc làm. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang quản lý nhóm Zalo với tên “Quản trị nhân sự Cần Thơ”, trong nhóm này, định kỳ 2 lần/tháng, Trung tâm sẽ gửi hồ sơ xin việc của các ứng viên đến các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn ứng viên phù hợp.

* Các chính sách hỗ trợ

Để thị trường lao động phục hồi vững chắc, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) đề xuất các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

“Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử...”, ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.

Trong Tháng Công nhân 2023, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi 30 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã trao hàng ngàn phần quà (trị giá 1 triệu đồng/phần) cho các công nhân bị giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố trao quà cho gần 500 công nhân bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, hơn 3.200 công nhân bị mất việc, giảm giờ làm, hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 với tổng kinh phí hơn 4,4 tỷ đồng; phối hợp cùng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thực hiện công trình ‘‘Chắp cánh ước mơ’’ trao tặng kinh phí học tập cho 42 con em công nhân mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do COVID-19...

Một sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN).

Theo Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Vũ Thể Vân, ngoài các hoạt động “Công đoàn vì công nhân, công nhân vì doanh nghiệp”, trong Tháng Công nhân, chương trình “Phúc lợi đoàn viên” đã được các doanh nghiệp cùng Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố ký kết thực hiện. Hai bên thống nhất bán hàng bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm với chính sách ưu đãi, hỗ trợ giá thấp hơn thị trường từ 10-50%.

Doanh nghiệp sẽ cung cấp bảng giá, nội dung chương trình hỗ trợ giá tại các Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố; đồng thời thường xuyên cử đội ngũ bán hàng đến từng đơn vị để thu thập dữ liệu đăng ký mua sản phẩm giá ưu đãi và tổ chức chương trình bán hàng giá ưu đãi trực tiếp đến các đơn vị. Định kỳ 3 tháng/lần, hai bên sẽ trao đổi nhằm hỗ trợ, chăm lo tốt nhất cho đoàn viên, người lao động.

Tại Đồng Nai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trần Thị Thùy Trâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận gần 22.000 hồ sơ của người lao động về hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Riêng trong tháng 4, số người làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tăng mạnh với gần 7.800 người. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đã phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ đối với lao động mất việc. Điển hình, các sở, ngành Đồng Nai đã làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn TKG Taekwang MTC Việt Nam (chuyên gia công giày da, đóng tại Khu công nghiệp Loteco, thành phố Biên Hòa) yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, lập hồ sơ đề nghị chốt sổ bảo hiểm xã hội cho gần 800 lao động nghỉ việc. Công ty đã thỏa thuận, thống nhất toàn bộ người lao động được hỗ trợ nửa tháng lương, tương ứng cho mỗi năm làm việc tại công ty nhưng tối đa không quá 11 tháng lương. Bên cạnh đó, Công ty còn hỗ trợ thêm cho mỗi lao động 14 triệu đồng.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người cho khoảng 1000 lao động thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; bị tạm hoãn công việc từ 30 ngày trở lên./.

Nhật Bình

Tin liên quan

Xem thêm