An sinh

Đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng tại Thái Nguyên

Trong 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm (GRDP) quý I tăng 6,53% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung của cả nước là 3,32%.

Một dự án FDI đang triển khai thực hiện tại Khu công nghiệp Sông Công 2, thành phố Sông Công (Ảnh Hoàng Nguyên/TTXVN)

TTXVN - Thực hiện Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công thành viên Chính phủ chủ trì đôn đốc, làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn, ngày 12/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc tại tỉnh Thái Nguyên về nội dung này. Dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các cơ quan liên quan của tỉnh.

Theo số liệu báo cáo của tỉnh Thái Nguyên, trong 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá; tổng sản phẩm (GRDP) quý I tăng 6,53% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung của cả nước là 3,32%. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,62%, khu vực dịch vụ tăng 10,25%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,43%. Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công, tính đến hết tháng 4, Thái Nguyên đã thực hiện giải ngân đạt 16% so với kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao. Ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết tháng 5 sẽ đạt 24,9% so với số kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo cáo cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc như: Năng lực nội tại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước lẫn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)… Trong hoạt động đầu tư công và xây dựng hạ tầng, tỉnh còn gặp khó khăn về thể chế, về công tác triển khai thực hiện và giải ngân vốn…

Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên nêu một số đề xuất đề xuất, kiến nghị với Đoàn công tác để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và về đầu công, xây dựng hạ tầng, hỗ trợ nguồn lực đầu tư và các vấn đề an sinh xã hội khác…

Theo đó, tỉnh đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu tổng kết nội dung thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ đó đưa ra lộ trình, sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

Tỉnh mong muốn Quốc hội, Chính phủ giao các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định về cấp phép khai thác khoáng sản đối với đất dư thừa, đất làm vật liệu san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình. Tỉnh đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để có cơ sở thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội…

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phát biểu trả lời và làm rõ nhiều vấn đề; ghi nhận, tổng hợp các kiến nghị, trình lên các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời biểu dương những nỗ lực, kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã đạt được những tháng đầu năm.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, chủ động khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục đoàn kết thống nhất, tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả 5 định hướng lớn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã xác định; triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Tỉnh chú trọng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp; phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch trong mối liên kết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực và vùng Thủ đô Hà Nội. Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với vị trí chiến lược, Đại tướng Phan Văn Giang yêu cầu tỉnh Thái Nguyên giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế. Tỉnh triển khai sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh đã được Đoàn công tác ghi nhận, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nhằm tháo gỡ sớm nhất những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của tỉnh./.

Thu Hằng

Xem thêm