An sinh

"Mẹ đỡ đầu" - che chở những mảnh đời bất hạnh

Phú Thọ

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, mô hình “Mẹ đỡ đầu” xuất phát từ khi COVID-19 hoành hành tại tỉnh phía Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhiều em nhỏ mất cha hoặc mẹ, thậm chí mất cả cha và mẹ.

Mô hình đã trao nhiều sổ tiết kiệm để hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi. (Ảnh: phutho.gov.vn)

(TTXVN) - Với truyền thống "tương thân, tương ái", mô hình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Phụ nữ tỉnh Phú Thọ triển khai đã trở thành chỗ dựa cho nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống để phấn đấu vươn lên.

(TTXVN) - * Tấm lòng người mẹ

Em Lưu Nhật Ánh (sinh năm 2006, ở phố Tiêu Sơn, phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) có hoàn cảnh rất khó khăn. Căn nhà cũ do chính quyền hỗ trợ, trong nhà không có gì đáng giá. Ánh bị khuyết tật trí tuệ, là con cả trong gia đình có 5 chị em. Bố mất 6 năm trước, mẹ em không có nghề ổn định, làm phụ hồ nuôi sáu miệng ăn. Năm 2022, Nhật Ánh và hai em sinh đôi được Hội Phụ nữ thành phố Việt Trì hỗ trợ thông qua “Mẹ đỡ đầu” là chị Nguyễn Thị Cúc, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ phố Tiên Sơn. Số tiền trợ cấp hàng tháng 1 triệu đồng giúp gia đình em phần nào vơi bớt khó khăn.

Em Phạm Đức Hà (học lớp 6B, Trường Trung học Cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ) mồ côi bố. Mẹ bị khuyết tật về trí tuệ, không có khả năng lao động. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình trông vào đồng lương ít ỏi của bà nội. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội Phụ nữ phường Hùng Vương nhận đỡ đầu và hỗ trợ em 300 nghìn đồng/tháng từ nguồn kinh phí mô hình "Ngôi nhà xanh" gây quỹ từ rác thải tái chế. Nguồn kinh phí cùng tấm lòng “Mẹ đỡ đầu” đã trở thành chỗ dựa giúp Hà có thêm niềm tin vào cuộc sống, tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Với phương châm “ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, sau 1 năm triển khai, mô hình "Mẹ đỡ đầu" đã thu hút đông đảo các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tham gia, trực tiếp nhận đỡ đầu và vận động, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiền và vật chất. Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn, 435 trẻ mô côi có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận đỡ đầu, nâng tổng số trẻ được đỡ đầu toàn tỉnh lên 449 trẻ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, kết nối đỡ đầu 29 trẻ mồ côi; cấp huyện và cơ sở vận động, kết nối nhận đỡ đầu 193 trẻ. Tổng trị giá vận động đỡ đầu đạt trên 3,4 tỷ đồng.

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Việt Trì đang nhận đỡ đầu 52 trẻ với số tiền hỗ trợ 770 triệu đồng. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Khê nhận đỡ đầu 26 trẻ với số tiền 141 triệu đồng.Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tam Nông đỡ đầu 17 trẻ với số tiền 420 triệu; huyện Phù Ninh nhận đỡ đầu 17 trẻ với số tiền 319 triệu đồng; huyện Thanh Ba đỡ đầu 25 trẻ với số tiền 212 triệu đồng… Đặc biệt, mô hình"Mẹ đỡ đầu" tại các cấp Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã hỗ trợ 42 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí thực hiện gần 243 triệu đồng/năm. Mô hình được triển khai ở 22/28 phòng chức năng Công an tỉnh và 13/13 Công an huyện, thị xã, thành phố.

* Cần lắm những người “Mẹ đỡ đầu”

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết, mô hình “Mẹ đỡ đầu” xuất phát từ khi COVID-19 hoành hành tại tỉnh phía Nam, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhiều em nhỏ mất cha hoặc mẹ, thậm chí mất cả cha và mẹ. Với thông điệp kết nối yêu thương, hưởng ứng mô hình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của COVID-19 của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động từ cuối năm 2021, Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trong đợt COVID-19, tỉnh Phú Thọ có 5 trẻ mồ côi và các em đều được “Mẹ đỡ đầu”. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 4.400 trẻ mồ côi; trong đó có 245 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trên 4.110 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Mỗi em đều có những nỗi đau và hoàn cảnh khó khăn riêng. Hiện 180 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đăng ký được nhận đỡ đầu, hỗ trợ, trong đó nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn.

Bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Thọ cho biết, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của COVID-19 và mồ côi do những nguyên nhân khác. Theo kế hoạch, đến năm 2027, tất cả Hội Phụ nữ huyện, thành phố, thị xã, đơn vị trực thuộc có hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ; 100% trẻ mồ côi trên địa bàn được các cấp Hội Phụ nữ vận động, kết nối, trợ giúp thông qua mô hình “Mẹ đỡ đầu” bằng các hình thức khác nhau; vận động, kết nối, triển khai các hoạt động hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi đến khi các con đủ 18 tuổi…/.

PV

Xem thêm