Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) Đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính đối với các cơ quan, tổ chức và người dân.
Ngày 4/11, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tổ chức Đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính đối với các cơ quan, tổ chức và người dân.
Nội dung đối thoại gồm: Thông báo tình hình, kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính; Những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính và biện pháp tháo gỡ; Tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lối sống, tư thế, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ và những vấn đề khác liên quan đến tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Tại buổi đối thoại, các đại diện doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân đã đặt các câu hỏi về lĩnh vực quản lý nhập xuất cảnh nói chung, quy định về thị thực và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; việc cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam, cấp thẻ ABTC (thẻ đi lại của doanh nhân APEC) cho doanh nhân Việt Nam; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phục vụ công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; công tác phối hợp với các cơ quan ban ngành trong và ngoài lực lượng Công an;...
Trao đổi tại cuộc đối thoại, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nhấn mạnh, việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh được tiến hành một cách chủ động, mạnh mẽ và nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân Việt Nam xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, đầu tư, thương mại...
Bên cạnh đó là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và thực hiện có hiệu quả công cuộc đổi mới của Đảng, Nhà nước.
Phản hồi về một số thông tin liên quan việc giải quyết cho người nước ngoài nhập cảnh thời điểm trước và sau đại dịch COVID-19, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhấn mạnh, so với nhiều quốc gia trên thế giới, chính sách thị thực của Việt Nam đơn giản và nhanh gọn, với hình thức đa dạng theo nhu cầu của người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tại 80 quốc gia, vùng lãnh thổ; bên cạnh đó là 13 nước đơn phương miễn thị thực, 12 nước song phương miễn thị thực. Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để tạo điều kiện trong xét duyệt cấp thị thực điện tử với các chuyên gia nước ngoài, người du lịch,...
Theo Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục về xuất nhập cảnh tiếp tục được đổi mới, cải cách, phân cấp, phân quyền; nhất là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Công an.
Điển hình là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử ở trong nước. Đến nay, số lượng công dân đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip điện tử trực tuyến tăng mạnh, đặc biệt sau khi tháo gỡ được rào cản điều kiện để thực hiện dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của Bộ Công an là phải có sim điện thoại chính chủ gắn với chứng minh nhân dân 12 số.
Tại một số thời điểm, nhiều địa phương đạt tỷ lệ trên 70% (hồ sơ trực tuyến/ hồ sơ trực tiếp); trong tháng 10/2022, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận 3.957 hồ sơ trực tuyến/15.311 hồ sơ trực tiếp (tỷ lệ đạt 25,8%).
Trong thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai thủ tục xét duyệt nhân sự cấp thị thực cho người nước ngoài mức độ 4, góp phần tạo cơ chế chính sách thị thực cho người nước ngoài được thông thoáng hơn, thu hút người nước ngoài đầu tư và du lịch vào Việt Nam.
Với vai trò là cơ quan có chức năng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ các cơ quan, tổ chức và nhân dân, Cục Quản lý xuất nhập cảnh luôn xác định ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo để đánh giá kết quả hoàn thành công việc. Bản thân mỗi cán bộ, chiến sỹ của đơn vị luôn có ý thức phấn đấu xây dựng hình ảnh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh chuyên nghiệp, thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Bổ sung thông tin nơi sinh trên các loại giấy tờ xuất nhập cảnh
Về vấn đề hộ chiếu phổ thông mẫu mới, từ 1/7/2022, Bộ Công an đã triển khai cấp hộ chiếu theo mẫu mới. Trong quá trình sử dụng hộ chiếu mẫu mới đã phát sinh vướng mắc: từ ngày 27/7/2022, một số nước ở châu Âu thông báo tạm dừng cấp thị thực vào mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin “Nơi sinh”, vấn đề phát sinh trên đã ảnh hưởng đến hoạt động nhập cảnh của công dân Việt Nam vào các nước thuộc khối Schengen, được dư luận đặc biệt quan tâm.
Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài in “bị chú” bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cho công dân Việt Nam và đã được các nước chấp nhận.
Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp phát ổn định, lâu dài cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh tại tất cả các nước, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã đề nghị Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị bổ sung thông tin “Nơi sinh” trên các loại giấy tờ xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam. Nội dung này đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV./.