Xã hội

Chính sách tín dụng giúp người từng lầm lỡ làm lại cuộc đời

Thái Bình

Từ chính sách nhân văn này, nhiều người lầm lỡ trong quá khứ đã vươn lên làm giàu, gia tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Trần Văn Toàn (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải) là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Tiền Hải được tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo Quyết định 22.
Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 (gọi tắt là Quyết định 22) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cùng với các địa phương khác trên cả nước, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp giúp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, giúp họ làm lại cuộc đời. Từ chính sách nhân văn này, nhiều người lầm lỡ trong quá khứ đã vươn lên làm giàu, gia tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, trở thành người có ích cho xã hội.

* “Phao cứu sinh” làm lại cuộc đời

Sau một năm chấp hành án phạt tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, cuối năm 2020 anh Trần Văn Toàn (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải) trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ gia đình và chính quyền địa phương động viên, anh Toàn đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật và từng bước vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời. Cuối năm 2023, anh Toàn là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện Tiền Hải được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng theo Quyết định 22, với số tiền vay 100 triệu đồng.

Anh Toàn chia sẻ, cơ sở tái chế phế liệu của anh có diện tích 1.400m2. Sau khi thu gom bao bì từ các nơi trong tỉnh, cơ sở sẽ tái chế thành các hạt nhựa xuất bán trong tỉnh và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hưng Yên; trung bình mỗi tháng tái chế được khoảng 100 tấn hạt nhựa. Sau khi trừ các khoản chi phí từ 25-30 triệu đồng/tháng, tháng cao điểm anh có thể thu về 40-50 triệu đồng.

Trong lúc khó khăn về nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, anh Toàn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22 với lãi suất 6,6%/năm. Với anh, đây là chính sách rất nhân văn, là “phao cứu sinh” đối với người có quá khứ lầm lỡ như anh, giúp anh thêm vốn mua sắm trang thiết bị, phục vụ sản xuất. Đặc biệt, lãi suất ưu đãi cũng giúp anh Toàn giảm áp lực từ việc vay vốn, từ đó yên tâm sản xuất.

Cơ sở sản xuất của anh Toàn đang tạo việc làm cho 7 lao động. 
Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN 

Không chỉ mang lại thu nhập cao, làm giàu cho gia đình, cơ sở tái chế phế liệu của anh Toàn còn tạo việc làm cho 7 lao động khác tại địa phương với mức thu nhập từ 6-10 triệu đồng/tháng. Anh Bùi Như Đạt (xã Tây Lương, huyện Tiền Hải) cho biết, anh gắn bó với cơ sở của anh Toàn từ những ngày đầu nên chứng kiến những khó khăn cũng như thành quả lao động từ những nỗ lực của anh Toàn. Trong công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày, anh Toàn luôn cởi mở, hòa đồng và nhiệt tình giúp đỡ những lao động trong cơ sở như anh em ruột thịt. Bởi vậy, công việc tái chế phế liệu dù có vất vả nhưng mọi người đều động viên nhau cố gắng, đưa cơ sở ngày càng phát triển.

Phó Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội huyện Tiền Hải Hà Thị Thơm cho biết, thực hiện Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng chính phủ về cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù, huyện Tiền Hải đã tích cực phối hợp với ngành công an và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chính sách, tiếp nhận hồ sơ xin vay vốn, thẩm định hồ sơ và tiến hành giải ngân nguồn vốn theo đúng quy định pháp luật. Đến nay, Ngân hàng Chính sách huyện Tiền Hải đã giải ngân cho 8 hộ vay với số tiền 530 triệu đồng. Nhờ có nguồn vốn này, những người chấp hành xong án phạt tù có nguồn vốn phát triển sản xuất và tái hòa nhập cộng đồng.

Cũng như anh Toàn, sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh Trần Văn Tưởng (sinh năm 1989) trở về quê ở thôn Trình Hoàng, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương. Đối với những người như anh Tưởng, thiếu vốn làm ăn là mối lo ngại lớn nên khi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Xương cho vay vốn 100 triệu đồng theo Quyết định 22, anh rất phấn khởi.

Nhờ được vay vốn theo Quyết định 22, anh Trần Văn Tưởng (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) chăn nuôi gà, lợn đặc sản, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. 
Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Có vốn và sự đồng hành của người thân, gia đình, anh Tưởng quyết tâm làm lại cuộc đời với nghề chăn nuôi giống gà, lợn đặc sản với quy mô hàng trăm con mỗi lứa và quay vòng nhiều lứa trong năm; mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

*Giúp người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn

Ông Lê Hải Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, Quyết định 22 quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người đối với vay vốn để đào tạo nghề; vay tối đa 100 triệu đồng/người đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Việc vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 11/10/2023 về triển khai thực hiện Quyết định 22; Công an tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai chương trình phối hợp triển khai tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh triển khai điều tra, rà soát số người chấp hành xong án phạt tù và nhu cầu vay vốn. Kết quả rà soát cho thấy, tỉnh Thái Bình hiện có trên 2.400 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương thuộc diện được vay vốn; trên 350 người đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh và học nghề. Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho 61 người vay với tổng số tiền gần 4,4 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, thời gian tới Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh rà soát các đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn để cho vay. Đồng thời trình UBND tỉnh phân bổ ngân sách hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng vay vốn theo quy định tại Quyết định 22 của Thủ tướng, đảm bảo người sau khi chấp hành xong án phạt tù có đủ điều kiện, đủ khả năng, năng lực vay vốn không bị thiếu nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Mặc dù mới triển khai nhưng chính sách tín dụng dành cho người chấp hành xong án phạt tù thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta, tạo cơ hội cho những người có quá khứ lầm lỡ vươn lên làm lại cuộc đời. Bên cạnh việc giúp người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với nguồn vốn vay, thủ tục đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Bình sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù thực hiện đúng cam kết vay vốn, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay./.

Thế Duyệt

Xem thêm