Xã hội

Chủ động phòng ngừa và ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Quảng Ninh

Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, các ngành, địa phương gắn trách nhiệm người đứng đầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống thiên tai, nhất là thời điểm trước mùa mưa lũ năm 2024 đang đến gần.

Mưa lớn gậy ngập tại thành phố Uông Bí. 
Ảnh: TTXVN phát

Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu, các ngành, địa phương bám sát phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” (“3 trước” là chủ động phòng chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước; “4 tại chỗ” là lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ); tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; đổi mới tư duy, cách tiếp cận theo tinh thần quản trị, quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu để xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi tái thiết.

Trước dự báo năm 2024 sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá hơn mức bình thường, đặc biệt là bão, lũ lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương cần xác định việc chủ động phòng ngừa và ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai năm 2024 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết là của người đứng đầu.

Trong đó, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; nhất là thời điểm trước mùa mưa lũ năm 2024 đang đến gần.

Quảng Ninh đặt mục tiêu 100% cơ quan hành chính các cấp, tổ chức và gia đình vùng ảnh hưởng thường xuyên của thiên tai được tiếp nhận đầy đủ thông tin, tài liệu và rủi ro thiên tai, hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, gia đình đảm bảo các yêu cầu phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mưa lớn gậy ngập một số địa phương trong tỉnh. 
Ảnh: TTXVN phát

Tỉnh phấn đấu 100% khu vực trọng điểm xung yếu về phòng, chống thiên tai được theo dõi, giám sát chủ động, nhất là các điểm nguy cơ sạt lở lớn trên tuyến đường, ngầm tràn, bãi thải mỏ được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc; tập trung khắc phục, xử lý 100% vị trí trọng điểm đê đặc biệt xung yếu; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp.

Các địa phương, ngành sớm hoàn thành phân vùng rủi ro đối với từng loại hình thiên tai để có những giải pháp phòng, chống phù hợp từng khu vực và từng loại hình trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai các nguyên tắc và cơ chế phối hợp thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; sớm hoàn thành xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh và từng địa phương; phương án phòng ngừa, ứng phó và phục hồi tái thiết. Các ngành, địa phương sớm hoàn thành xây dựng phương án phòng, chống lũ của các tuyến sông có đê, phát triển hệ thống đê điều và kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và hệ sinh thái rừng đầu nguồn...

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Quảng Ninh tập trung nâng cao năng lực cảnh báo sớm, chất lượng dự báo thông tin phục vụ việc chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, người dân và doanh nghiệp đảm bảo kịp thời, phù hợp, chính xác. Tỉnh sẽ phát triển và hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới quan trắc chuyên dùng; đẩy mạnh xã hội hóa, dịch vụ hóa một số hoạt động khí tượng thủy văn; ứng dụng khoa học công nghệ vào việc theo dõi, giám sát thông tin để nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, thiên tai; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ, phổ biến các kinh nghiệm ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai./.

PV

Xem thêm