Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết về giám sát văn bản quy phạm pháp luật
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những trường hợp qua giám sát những văn bản hướng dẫn thi hành hoặc trong tổ chức thực hiện đã phát hiện ra những bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, từ đó mới có hướng để sửa đổi kịp thời.
(TTXVN) Sáng 20/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH (Nghị quyết 560) ban hành ngày 22/7/2022 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội: Thượng tướng Trần Quang Phương; Nguyễn Khắc Định; đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo các bộ, ngành...
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Hội nghị là bước quán triệt, cụ thể hoá và bảo đảm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 843 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; hướng dẫn một bước việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự thống nhất, chủ động của các cơ quan trong nhận thức cũng như triển khai hoạt động này.
Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế; các quy định về phương thức và trình tự, quy trình tiến hành còn chung chung, chưa cụ thể, nhất là về từng bước tiến hành giám sát, các công việc cần tiến hành, trách nhiệm của từng chủ thể, kỳ giám sát, hồ sơ, mẫu biểu báo cáo kết quả giám sát... Việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn rất chậm.
Kết quả giám sát năm 2022 cho thấy có đến 21% tổng số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành hoặc chậm ban hành. Phải chăng điều này cũng là do chúng ta thiếu giám sát, đôn đốc, nhắc nhở? Có những văn bản chậm hơn 3 năm 10 tháng chưa được ban hành kể từ khi luật có hiệu lực thi hành…
Đã có 13 tham luận phát biểu tại hội nghị. Trên cơ sở Nghị quyết 560 và các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV yêu cầu là phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và công tác đối ngoại; trong đó có nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm then chốt.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, từ nghị định đến thông tư hoặc không ban hành các văn bản đã có tiến bộ nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một khâu yếu. Nhấn mạnh lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về công tác này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hội nghị này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo kết luận tới các cơ quan hữu quan. Nêu rõ phải quán triệt tinh thần Nghị quyết 560 để thống nhất cả trong nhận thức và hành động, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan giám sát.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những trường hợp qua giám sát những văn bản hướng dẫn thi hành hoặc trong tổ chức thực hiện đã phát hiện ra những bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật, từ đó mới có hướng để sửa đổi kịp thời. Do đó, kết quả giám sát không chỉ nhằm phát hiện những nội dung có đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp cũng như sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... hay không mà còn phát hiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn để điều chỉnh kịp thời. Điều này càng khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát với chức năng lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu, ngoài việc giám sát thường xuyên thì có thể tổ chức giám sát chuyên đề, có thể đưa những chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thậm chí là của Quốc hội. Nhấn mạnh vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đối tượng được giám sát không phải chỉ riêng từng luật mà còn liên quan đến trách nhiệm, vấn đề chịu trách nhiệm cuối cùng của các cơ quan thực hiện giám sát trong lĩnh vực này; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị về lĩnh vực này.
Cùng với giám sát theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cơ quan chủ trì thẩm tra luật còn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao thực hiện giám sát theo chuyên đề. Nhấn mạnh về mối quan hệ biện chứng trong xây dựng và thực thi pháp luật, Chủ tịch Quốc hội lưu ý chú trọng khâu xây dựng pháp luật, sự cần thiết phải thiết lập cơ chế phối hợp và hệ thống cơ sở dữ liệu; đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội lập và ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết này, thống kê tập hợp được tất cả những văn bản dữ liệu.
Như vậy, ngoài việc quán triệt Nghị quyết 560, các cơ quan phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để thực hiện Nghị quyết, đưa vào chương trình giám sát hằng năm về tập trung thực hiện tốt công tác giám sát và tổ chức thực thi pháp luật đối với những lĩnh vực được phân công phụ trách và những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trên tinh thần của Nghị quyết 560 là cần mở rộng gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát việc thực hiện chính sách, qua đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đánh giá tính chất khả thi cả các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được ban hành.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp nhiều phương thức giám sát, phối hợp liên ngành về xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối giữa các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quốc hội cho rằng sau hội nghị là quá trình thực thi. Đảng đoàn Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng những kết quả giám sát, nhằm tạo ra chuyển biến rõ rệt trong thực hiện.
Từ những yêu cầu cụ thể, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn kết quả việc thực hiện Nghị quyết 560 sẽ là tạo sự chuyển biến thực sự về thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó giảm thiểu dần, tiến tới khắc phục được căn cơ, góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật.
Nhấn mạnh quản lý nhà nước mang tính chất liên tục, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu từng bộ, ngành chủ động rà soát. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải có kế hoạch, chương trình giám sát và báo cáo kết quả. Nghị quyết 560 cũng nhấn mạnh không nhất thiết báo cáo theo định kỳ mà khi có vấn đề cần thiết là phải báo cáo. Mọi kết quả giám sát định kỳ báo cáo Quốc hội.
Trên tinh thần đổi mới công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng rằng, Hội nghị này sẽ là tiền đề quan trọng để thúc đẩy, tạo động lực giúp các cơ quan hoàn thành tốt chức năng giám sát nói chung, hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, góp phần vào thành tựu chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Từ đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây cũng là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần thiết thực tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Hoàng Thị Hoa