Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác.
Tại Bạc Liêu, qua hơn 10 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ nông dân đã kịp thời hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh lũy kế tính đến ngày 30/9/2024 là trên 31 tỷ đồng, đã giải ngân cho khoảng 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh vay, với 212 dự án. Các mô hình được nông dân áp dụng chủ yếu như: Nuôi sò huyết, dê, lươn, cua đinh, chồn hương, bò sinh sản, cùng các mô hình trong lĩnh vực trồng trọt gồm cải tạo vườn tạp trồng hoa màu, cây ăn quả, mô hình tôm - lúa…
Thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên có điều kiện đầu tư mô hình sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Trường hợp của anh Danh Hưởng ở ấp Vĩnh Lộc, (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) là ví dụ. Anh Hưởng cho biết, trước đây thấy mô hình nuôi lươn mang lại thu nhập khá cho nhiều người nên anh cũng tham gia mô hình này. Ban đầu chỉ nuôi với quy mô nhỏ, nhưng từ khi được Hội Nông dân xét cho vay 20 triệu đồng, anh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất lên gần 10.000 con giống. Đến khi thu hoạch, lươn bán được giá cao, lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Anh Hưởng không chỉ hoàn vốn cho Hội mà còn có vốn tái đầu tư sản xuất.
Tương tự, anh Lê Thanh Đoàn ở ấp 4 (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai) vay Quỹ hỗ trợ nông dân 30 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi chồn hương. Lúc đầu do ít vốn, anh chỉ đầu tư nuôi 7 con chồn cái để sinh sản. Sau khi có vốn hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ nông dân, anh đã tăng quy mô chuồng trại, tăng đàn chồn sinh sản lên đến nay có gần 20 con. Từ việc bán chồn giống, mỗi năm gia đình anh thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Anh Đoàn cho hay, chồn hương là loài dễ nuôi, thức ăn cho chồn dễ kiếm, chủ yếu là cá tạp và chuối chín. Chồn nuôi cũng ít bệnh tật, dễ chăm sóc. Anh Đoàn mong muốn được vay thêm từ Quỹ hỗ trợ nông dân để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Một trường hợp khác là ông Trương Văn Tâm, ngụ ấp Tường 3B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long. Ông Tâm được hỗ trợ 20 triệu đồng thông qua dự án lúa – màu. Với nguồn vốn được vay, gia đình ông mở rộng diện tích trồng rau má từ 1.500m2 lên 3.500m2, bình quân mỗi tháng thu lãi từ 10 – 12 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông Tâm không chỉ có điều kiện mở rộng sản xuất mà còn có vốn tích lũy, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Lê Ngọc Kiệp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Lợi chia sẻ, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp rất nhiều nông dân trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ những mô hình hiệu quả bền vững. Hiện, huyện có 22 dự án được triển khai từ Quỹ với số tiền 6 tỷ đồng, cho 182 hộ vay. Các mô hình trong dự án gồm: nuôi bò, trồng lúa an toàn, nuôi lợn, trồng màu... hầu hết đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ vay thực hiện đúng cam kết. Sau khi giải ngân, Hội tiến hành kiểm tra cho thấy nông dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, trả lãi, nợ vay đúng quy định.
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, qua 10 năm hình thành và phát triển, Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sang phương thức sản xuất liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Bình quân thu nhập của hộ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tăng thêm 10 - 20% so với trước khi chưa tham gia dự án vay vốn.
Bạc Liêu hiện có trên 80.000 hội viên nông dân nhưng số lượng tiếp cận được nguồn Quỹ mới được khoảng 2.500 trường hợp, cho thấy việc nông dân tiếp cận các dự án trên địa bàn còn ít. Để nâng cao hơn nửa hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Hoàng Thoại, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu cho biết, Hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, vận động tăng trưởng nguồn vốn đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Cùng với đó, Hội tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tập huấn khoa học, kỹ thuật, giúp hội viên sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ và các dịch vụ hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển nông nghiệp theo định hướng xanh, sạch, an toàn; chú trọng hơn nữa công tác giám sát, quản lí để hội viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, hạn chế thất thoát, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Hội cũng chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đồng thời làm cầu nối để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập cho hội viên./.