Pháp luật

Chuyện nghề Thi hành án dân sự

Cuộc thi nhằm ghi nhận những cống hiến nghề nghiệp; cổ vũ, động viên cán bộ, người làm công tác thi hành án dân sự, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi, Cuộc thi nhằm ghi nhận những cống hiến nghề nghiệp; cổ vũ, động viên cán bộ, người làm công tác thi hành án dân sự.
Ảnh: Hoàng Thư

Nhằm thiết thực kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, Báo Pháp luật Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp phát động Cuộc thi "Chuyện nghề Thi hành án dân sự".

Cuộc thi nhằm ghi nhận những cống hiến nghề nghiệp; tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, người làm công tác thi hành án dân sự, đề cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, chủ động, sáng tạo, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng Hệ thống Thi hành án dân sự ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của toàn Ngành trong giai đoạn mới.

Cuộc thi cũng hướng tới việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và toàn xã hội về chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí quan trọng của công tác thi hành án dân sự; những đóng góp của Hệ thống Thi hành án dân sự đối với ngành Tư pháp Việt Nam cũng như đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đối tượng dự thi rất đa dạng, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành Tư pháp, thi hành án dân sự; các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên báo chí; công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

Các tác phẩm báo chí có nội dung chia sẻ, thông tin các câu chuyện về người thật, việc thật, kinh nghiệm giải quyết các tình huống pháp lý từ quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người làm công tác thi hành án dân sự và lực lượng liên ngành trong quá trình giải quyết các vụ việc thi hành án dân sự.

Bà Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, Ban Tổ chức tiếp nhận bài dự thi từ mọi loại bình báo chí (Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình).
Ảnh: Hoàng Thư

Bà Vũ Hồng Thúy, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, các tác phẩm dự thi có thể là các bài viết được đăng tải tại Chuyên mục “Chuyện nghề Thi hành án dân sự” trên Báo Pháp luật Việt Nam hoặc đăng trên các ấn phẩm báo chí Trung ương và địa phương trong thời gian diễn ra Cuộc thi. Ban Tổ chức tiếp nhận bài dự thi từ mọi loại bình báo chí (Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình).

Với các tác phẩm báo chí đăng tải trên các ấn phẩm báo chí khác ngoài Báo Pháp luật Việt Nam, các tác giả có thể sao chép, có xác nhận của các đơn vị thi hành án dân sự địa phương hoặc cơ quan báo chí nơi có tác phẩm đăng tải, gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi "Chuyện nghề Thi hành án dân sự", Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29, Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 0913.035.082, Email: thoisuphapluatvn@gmail.com.

Cuộc thi không giới hạn số lượng bài mỗi cá nhân gửi dự thi. Các bài thi đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Pháp luật Việt Nam hoặc các cơ quan báo chí khác trong quá trình diễn ra Cuộc thi, cụ thể là từ ngày 1/11/2024 đến 30/5/2025. Tuy nhiên, tác giả dự thi phải ghi rõ tên thật, địa chỉ liên hệ, số điện thoại cuối mỗi bài dự thi.

Việc tổng kết và trao giải Cuộc thi dự kiến vào trước dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống thi hành án dân sự (tháng 7/2025).

Giải thưởng Cuộc thi gồm: 1 Giải Đặc biệt trị giá 25 triệu đồng; 1 Giải Nhất trị giá 15 triệu đồng; 2 Giải Nhì, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 3 Giải Ba, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 Giải Khuyến Khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Ban Tổ chức sẽ trao Giấy chứng nhận cho các tác giả đoạt giải./.

PV

Xem thêm