Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn.
Ngày 14/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2023 tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương làm rõ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm chất lượng, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án, đánh giá công tác phối hợp giữa các ngành trong quá trình triển khai thi hành án dân sự và đưa ra các kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong giai đoạn 2020-2023.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, việc triển khai Luật Thi hành án dân sự thời gian qua đã tạo hành lang pháp lý khá vững chắc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Tuy vậy, quá trình triển khai còn bất cập liên quan tới những quy định của pháp luật, việc tinh giản biên chế, khối lượng công việc tăng lên, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp…. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lại báo cáo, chi tiết những đề xuất kiến nghị; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và trong các công tác liên quan.
Tại buổi giám sát, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự, sửa, đổi bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn; chú trọng việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác thi hành án dân sự; quan tâm xây dựng Luật Đăng ký tài sản và xây dựng cơ chế liên thông thông tin cơ sở dữ liệu giữa cơ quan tư pháp với cơ quan thuế và các cơ quan quản lý khác để cho phép kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực công chứng, đất đai, góp phần đẩy nhanh quá trình xác minh, tổ chức thi hành án.
Việc sửa, đổi bổ sung Luật cần theo hướng xác định rõ các công việc của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phải làm, giảm bớt thủ tục, gắn trách nhiệm của đương sự, nhất là trách nhiệm của bên được thi hành án trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án. Từ đó, giảm áp lực, tạo hành lang pháp lý minh bạch, an toàn cho Chấp hành viên trong thực thi công vụ.
Theo thông tin tại Hội nghị, thời gian qua, trong lĩnh vực thi hành án dân sự, khối lượng công việc rất lớn, số tiền, số việc ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, nhiều vụ việc có giá trị phải thi hành án lên đến hàng trăm tỷ đồng, có việc lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả thi hành án về việc và tiền đã tăng liên tục qua từng năm. Theo đó, năm 2020, tổng số việc đã thụ lý là 10.718 việc với tổng số tiền thụ lý gần 2.100 tỷ đồng. Đến năm 2023, là 11.455 việc với tổng số tiền 6.105 tỷ đồng. Việc ban hành quyết định cưỡng chế tăng từ 44 trường hợp (năm 2020) lên 79 trường hợp (năm 2023).
Trong bối cảnh số việc, số tiền thụ lý giải quyết ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, Cục Thi hành án dân sự Hải Dương đề nghị Chính phủ và cấp có thẩm quyền quan tâm bổ sung biên chế, đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, tạo điều kiện giúp các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác thi hành án dân sự; chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp tổ chức thi hành án, bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn, trong đó có việc hỗ trợ kinh phí, tháo gỡ tình trạng không có kho vật chứng tại 4 Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Cục trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục về đất, để chủ đầu tư thực hiện thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm khởi công xây dựng trụ sở các Chi cục thi hành án dân sự trực thuộc.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh cũng đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến thi hành án dân sự, giám sát các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn trong việc thực hiện bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thi hành án dân sự tại Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Nam Sách và thành phố Hải Dương./.
- Từ khóa:
- Quốc hội
- giám sát
- Luật Thi hành án dân sự