Nghị quyết 98 mở ra cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều chính sách đột phá
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Thành phố được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là bước đột phá mạnh mẽ.
Sáng 14/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam và Học viện Cán bộ Thành phố tổ chức Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh sau một năm thực thi Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.
Ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2013/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Đây được xem là nghị quyết khá đầy đủ, toàn diện với 44 cơ chế, chính sách trên 7 lĩnh vực khác nhau, nhằm khơi thông tối đa các nguồn lực Thành phố hiện có để phát triển; phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương; cho phép thực hiện một số chức năng nhiệm vụ với quy trình, thủ tục rút gọn.
Trình bày đề dẫn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau gần một năm, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98, cùng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và toàn diện của bộ máy các cấp, kết quả triển khai nghị quyết khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những văn bản liên quan đến các vấn đề như: hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức quy định đối với số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Thành phố cũng ban hành mẫu công bố thông tin danh mục các dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược…
Tại thành phố Thủ Đức, các cơ chế, chính sách đã nhanh chóng được triển khai theo điều 10, Nghị quyết số 98. Thủ Đức được chủ động trong xây dựng, bố trí sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng, ban, đơn vị nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong vận hành, quản lý Nhà nước; được trao các thẩm quyền của Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành. Đây là cơ hội lớn cho địa phương chủ động, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trung gian. Bên cạnh đó, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức được phép phân cấp, phân quyền cho các phòng, ban, đơn vị, các phường để xử lý công việc thuộc thẩm quyền của mình nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm cho các đơn vị.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức cho biết, các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội ban hành là nền tảng vững chắc ban đầu để thành phố từng bước phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có, khơi thông các điểm nghẽn giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng kỳ vọng của Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng nhìn nhận, Thủ Đức đang gặp thách thức lớn khi phải thực hiện tinh giản biên chế. Địa phương phải giảm số lượng biên chế lớn trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng. Địa phương đề xuất, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các sở, ngành hỗ trợ hướng dẫn các quy trình, thủ tục trong triển khai các nội dung, lĩnh vực đã phân cấp, ủy quyền; tăng cường điều động, bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn tốt về công tác tại thành phố Thủ Đức.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nghị quyết số 98 mở ra cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh huy động nguồn lực và triển khai nhiều chính sách đột phá trong lĩnh vực này. Thành phố đã ban hành chính sách về hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển ngày càng nhiều các loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Dự kiến đến năm 2028, Thành phố sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và khoảng 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận được với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Thành phố đã thông qua chính sách ưu đãi với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học công nghệ công lập để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, các chính sách thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới (sandbox) và nhóm chính sách về miễn thuế trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được UBND Thành phố xây dựng trình HĐND Thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh), các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên hứa hẹn góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện hành, khơi thông nguồn lực về khoa học và công nghệ của Thành phố (đặc biệt là nguồn lực nước ngoài); kịp thời đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu phát triển, minh chứng cho vai trò then chốt của khoa học và công nghệ.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, Thành phố được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là bước đột phá mạnh mẽ. Bởi vì đây là một trong những giải pháp quan trọng để giải phóng giá trị đất đai, tạo nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, sự thành công của cơ chế này phụ thuộc nhiều vào việc ban hành các quy định hướng dẫn chi tiết dưới luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trên cơ sở những kết quả và tồn tại gần một năm qua, các đại biểu đề xuất, Thành phố cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách theo Nghị quyết số số 98. Hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết này còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực thi chính sách./.