Xây dựng Đảng

Cụ thể hóa các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hà Nam

Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam Lê Văn Hà phát biểu khai mạc hội nghị. 
Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Chiều 22/5, Liên đoàn Lao động phối hợp Sở Nội vụ tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Nghị quyết về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở” của HĐND tỉnh Hà Nam.

Tham dự có đại diện Ban chuyên môn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Ban Pháp chế HĐND tỉnh và đại diện Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố, các Công đoàn ngành, Khu công nghiệp tỉnh và các đoàn viên công đoàn cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Để hướng dẫn thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật và Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, nhằm hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung quy định của Luật.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Để cụ thể hóa Điều 8 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, trong chương trình làm việc của HĐND tỉnh Hà Nam sắp tới sẽ thông qua nghị quyết về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam Lê Văn Hà cho biết, xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn đã được các cấp Công đoàn triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng, ban hành Hướng dẫn Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ; tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; hội nghị người lao động. Các cấp Công đoàn đã tham mưu với cấp ủy và phối hợp với chính quyền đồng cấp ký kết hướng dẫn liên tịch về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn còn một số tồn tại như: Công tác quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ở một số nơi còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm. Các biện pháp triển khai, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa rõ ràng, đồng bộ, thống nhất. Một số cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện quy chế dân chủ có nội dung chưa đầy đủ.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghiên cứu và tham gia ý kiến phản biện vào các nội dung chính như: Sự cần thiết ban hành nghị quyết; bố cục, nội dung của nghị quyết...

Sau khi đại diện các Công đoàn cơ sở phát biểu ý kiến, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam tổng hợp các ý kiến phản biện xã hội để gửi đến cơ quan soạn thảo.

Qua giám sát, phản biện xã hội, các cấp Công đoàn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và thực tế hoạt động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; từ đó, giúp tổ chức Công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng của mình trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động./.

Đại Nghĩa

Xem thêm