Xã hội

Cùng chung tay biến màu "da cam" thành màu xanh hy vọng

Bạc Liêu

Toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 10.000 người bị phơi nhiễm, hơn 6.000 người là nạn nhân da cam/dioxin, trong đó có trên 3.000 nạn nhân đang hưởng các chế độ của Nhà nước.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu trao quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

TTXVN - Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của chất độc hóa học. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.000 người bị phơi nhiễm, hơn 6.000 người là nạn nhân da cam/dioxin, trong đó có trên 3.000 nạn nhân đang hưởng các chế độ của Nhà nước. Hầu hết, các nạn nhân đều rất khó khăn, cần sự chung tay của cộng đồng để cuộc sống ổn định hơn.

* Nỗi đau dai dẳng

Bà Trần Thị Sương, ấp Chòi Mòi, xã An Phúc, huyện Đông Hải có 11 người con, trong đó 6 người nhiễm chất độc da cam. Chất độc quái ác đó đã "cướp" đi 3 người con của bà. Những người còn lại bị thiểu năng trí tuệ, không tự chăm sóc bản thân được.

"Gồng gánh nuôi các con và chồng thường xuyên bị bệnh tật, cuộc sống hàng ngày của gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm chăm sóc, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và cộng đồng, gia đình tôi không cảm thấy lẻ loi, đơn độc. Đây là nguồn động viên để gia đình có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn về thể xác lẫn tinh thần, vươn lên trong cuộc sống", bà Trần Thị Sương chia sẻ.

Hai chị em bà Trần Thị Xíu, Trần Thị Thúy, xã Điền Hải, huyện Đông Hải bị nhiễm chất độc hóa học. Hai bà sống nương tựa vào sự chăm sóc của anh, chị em trong gia đình. Mới đây, khi Đoàn y, bác sỹ Bệnh viện Dân quân y tỉnh Bạc Liêu đến khám bệnh và cấp thuốc miễn phí tại nhà, gia đình rất vui mừng vì cảm nhận được sự quan tâm, chăm lo của cộng đồng cũng như giảm phần chi phí thuốc thang hàng ngày.

Thăm hỏi, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Năng, ấp Công Điền, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Sau ngày hòa bình, ông bị ảnh hưởng của chất độc da cam, mất sức lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải chịu cảnh thiếu truớc hụt sau. Biết được hoàn cảnh của ông, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ 30 triệu đồng để gia đình xây dựng nhà, yên tâm trong cuộc sống.

* Huy động nguồn lực chăm lo nạn nhân da cam

Gần nửa thế kỷ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tại Bạc Liêu, hàng ngày, hàng giờ, nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đau đớn của bệnh tật. Nhiều gia đình có 2-3 thậm chí là 7 người mang di chứng. Họ rất cần sự sẻ chia của cộng đồng để cùng chung tay biến màu "da cam" thành màu xanh hy vọng.

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, ngoài chế độ đãi ngộ của Nhà nước, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp có nhiều nỗ lực trong vận động các nhà hảo tâm để có điều kiện và chủ động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân dịp lễ, Tết, Ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - 10/8" nhằm trợ giúp kịp thời, đúng đối tượng đối với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo tốt hơn đối với nạn nhân chất độc da cam.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã vận động được hơn 25 tỷ đồng. Từ nguồn lực này đã chi hơn 23,8 tỷ đồng để xây dựng 174 căn nhà, sửa chữa 23 căn nhà "Mái ấm da cam"; tặng phương tiện, hỗ trợ vốn sản xuất cho 108 hộ; trao tặng 758 xe lăn, 9 xe lắc, 47 xe đạp, trao 116 suất học bổng, khám và cấp thuốc điều trị hơn 800 nạn nhân; tặng quà Tết, ngày 10/8 hàng năm cho trên 21.510 lượt gia đình. Các cấp Hội góp vốn cùng Trung tâm Bảo trợ xã hội xây dựng hai dãy nhà nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam và trợ giúp cho hơn 9.250 trường hợp khó khăn…

UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen các cá nhân có nhiều đóng góp “Chung tay tay xoa dịu nỗi đau da cam”. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Trong điều kiện nguồn vận động còn hạn chế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu thực hiện phương châm "ai khó nhiều giúp trước". Cách làm này tạo được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, nạn nhân và gia đình nạn nhân đã có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, bằng việc làm thiết thực và trách nhiệm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp từng bước khẳng định vai trò là cầu nối giữa những tấm lòng thiện nguyện với nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh. Các cấp Hội đã vượt qua khó khăn, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đặc biệt là vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết thêm, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo hơn hết còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước, nêu cao truyền thống "thương người như thể thương thân". Truyền thống ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng hòa nhập cộng đồng.

Với tình cảm và trách nhiệm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu tiếp tục chủ động phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, nắm tình hình đời sống, bệnh tật của các nạn nhân để theo dõi, quản lý, có kế hoạch vận động giúp đỡ; tăng cường xã hội hóa công tác chăm lo, giúp đỡ, tạo việc làm, thực hiện giảm nghèo nhằm giảm bớt khó khăn đối với các nạn nhân, ông Phạm Văn Thiều chia sẻ./.

Tuấn Kiệt

Xem thêm