An sinh

Tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Quảng Nam

Hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 91,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Vân Chính)

TTXVN - Sáng 8/8, tại thành phố Hội An (Quảng Nam), Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023. 

17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội

Thông tin tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ước tính hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, bảo hiểm xã hội bắt buộc có hơn 16 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện gần 1,5 triệu người; có 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 91,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số, tăng 5,32% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành năm 2023 là khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; 31,7% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế thì khoảng cách từ nay đến cuối năm còn rất lớn.

Theo ông Đào Việt Ánh, thực hiện lộ trình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân, mỗi năm phải tăng khoảng 2,5% số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và trung bình ít nhất 1% số người tham gia bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh nền kinh tế, tình hình lao động lao động, việc làm có nhiều khó khăn, thách thức, 6 tháng đầu năm nay có khoảng 91 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, nhiều chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đang sửa đổi, việc đạt được các chỉ tiêu này là hết sức khó khăn.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ghi nhận sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và thu hút được sự quan tâm của xã hội. Qua đó, đóng góp tích cực cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao, thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

7 tháng năm 2023, trên 18.000 tin, bài, phóng sự đã được đăng phát…, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhiều bài báo, phóng sự… về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được phản ánh chân thực, sinh động về những khó khăn trở ngại, những cách làm hay, những điển hình tốt, những tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói riêng và của nhân dân nói chung…, mang lại những hiệu ứng tích cực trong việc tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Lan tỏa chính sách

Công tác thông tin, truyền thông nói chung, báo chí nói riêng đã góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đến nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; 57 địa phương đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ; 62 địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế theo Quyết định số 546/QĐ-TTg vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Vân Chính)

Ngoài chính sách của Trung ương, hiện có 14 địa phương trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (điển hình là Hà Nội, Hà Tĩnh); 57 địa phương trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế hộ cận nghèo và nhiều tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm đặc thù như: học sinh, sinh viên; hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người dân tộc thiểu số… tham gia bảo hiểm y tế.

Đánh giá cao công tác truyền thông, ông Đào Việt Ánh cho rằng, báo chí đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đi vào cuộc sống; giúp nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội, từ đó tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của ngành trong việc tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhờ đó, nhiều người lao động vẫn tin tưởng, tiếp tục ở lại lưới an sinh xã hội.

"Báo chí góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của người dân, người lao động, doanh nghiệp… về bất cập trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp", ông Đào Việt Ánh nói.

Báo chí cũng đã thể hiện vai trò đặc biệt trong việc phát hiện, phản ánh các vụ việc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động..., mang lại hiệu ứng tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế. Thông qua báo chí, giúp truyền cảm hứng, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho những người yếu thế, khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vì mục tiêu mọi người dân đều có quyền được đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, thời gian tới, công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tiếp tục được đổi mới, thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn, giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu để tích cực, chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quan tâm đấu tranh với các hành vi gian lận, trục lợi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Báo chí tiếp tục phản ánh, kiến nghị liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách, đây là cơ sở quan trọng để đề xuất sửa đổi chính sách trong thời gian tới…

Tại Hội nghị, gần 100 nhà báo, phóng viên, biên tập viên đến từ gần 80 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Nam được nghe các chuyên đề về trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; một số quy định mới liên quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; tình hình lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế và kết quả thực hiện công tác giám định; các giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế…/.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm