Văn hóa

Cùng hành động để du lịch Việt Nam phát triển bền vững

Sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách du lịch đã thúc đẩy, mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ...

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

TTXVN - Ngày 5/7 tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2023).

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nêu rõ: Qua 63 năm xây dựng, trưởng thành, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Năm 1990, toàn ngành mới đón, phục vụ 250.000 lượt khách quốc tế, đến 2019 đã đón được 19 triệu lượt, tăng gấp 72 lần sau 29 năm. Khách nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019.

Sự tăng trưởng không ngừng về số lượng khách du lịch đã thúc đẩy, mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước... Năm 2015, du lịch đóng góp 6,3% vào GDP, đến năm 2019 là 9,2%. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, du lịch bị thiệt hại nặng nề. Nhiều kế hoạch đặt ra của du lịch nước ta hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, cạn kiệt nguồn lực tài chính...

Phục hồi du lịch sau đại dịch, Việt Nam đã mở cửa đón khách trở lại từ ngày 15/3/2022. Hết 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành đã đón được trên 5,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 64 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 343,1 nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng cho niềm tin về sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của du lịch; từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, hình ảnh, uy tín của Việt Nam với bạn bè thế giới...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN).

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Nghị quyết 82/NQ-CP tiếp tục là một bước quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành Du lịch; sự chủ động, hành động quyết liệt, có trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương; sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đồng hành cùng ngành Du lịch vượt qua khó khăn của cộng đồng các doanh nghiệp...

Hội nghị này là hoạt động đầu tiên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Du lịch Việt Nam, Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành. Hoạt động này hướng tới mục tiêu để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn gian - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, với mục tiêu cụ thể, thống nhất tư duy, hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là "phát triển trọng tâm, trọng điểm, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới"...

Để đạt được mục tiêu trên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có: Tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới mô hình kinh doanh; phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với giai đoạn mới, trong bối cảnh sở thích của khách du lịch thay đổi, kéo theo xu thế phát triển của du lịch cũng thay đổi sau đại dịch COVID-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh đó, các bên liên quan kịp thời phát hiện, tổng hợp ý kiến, đề xuất kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, địa phương giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá; đa dạng hóa thị tùy theo năng lực, mô hình kinh doanh.../.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm