Ông Nguyễn Thành Lợi khẳng định vai trò đặc biệt của báo chí trong truyền thông, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cộng đồng và cam kết đồng hành cùng cuộc chiến chống hàng giả.
Sáng 25/7, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”.
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong bối cảnh thị trường vẫn đang đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Hàng giả không chỉ xuất hiện trong các kênh phân phối truyền thống mà còn len lỏi trên nền tảng thương mại điện tử, gây ảnh hưởng nặng nề đến quyền lợi người tiêu dùng, làm xói mòn niềm tin vào thương hiệu Việt và cản trở sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp chân chính.
Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận giữa các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng để đánh giá thực trạng; làm rõ vai trò quản lý; chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ thương hiệu; đề xuất giải pháp truyền thông và hành động phối hợp giữa Nhà nước - báo chí - doanh nghiệp - người dân.
Ông Nguyễn Thành Lợi khẳng định vai trò đặc biệt của báo chí trong truyền thông, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức cộng đồng và cam kết đồng hành cùng cuộc chiến chống hàng giả. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc nhận diện và ngăn chặn vấn nạn này cần sự chung tay của toàn xã hội, với vai trò đặc biệt của người tiêu dùng và các cơ quan báo chí.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn ghi nhận hiệu quả tích cực của Cuộc vận động trong nhiều năm qua, khi hàng hóa Việt Nam ngày càng được người dân tin tưởng, lựa chọn. Nhiều thương hiệu Việt đã từng bước khẳng định được vị thế và chất lượng trên thị trường nội địa lẫn quốc tế.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn cũng chỉ ra những thách thức không nhỏ, khi nhiều mặt hàng trong nước vẫn chưa đạt sức cạnh tranh về mẫu mã, giá cả. Đáng lo ngại hơn là sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm giảm uy tín doanh nghiệp và làm suy yếu kết quả của Cuộc vận động.
Để Cuộc vận động tiếp tục phát huy tác dụng tích cực, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã đề ra nhiều giải pháp như tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, doanh nghiệp và người dân về vai trò, ý nghĩa của cuộc vận động trong tình hình mới; xây dựng ý thức tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm trong mỗi người dân.
Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đạt chất lượng cao. Đẩy mạnh việc nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bằng hành động thiết thực từ cả phía quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng đã cùng nhau thảo luận, đề xuất các giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xây dựng ý thức tiêu dùng thông minh, có trách nhiệm. Bên cạnh đó đưa ra các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên.
Tổng Biên tập Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không chỉ cần một hệ thống pháp lý mạnh mẽ và lực lượng chức năng chuyên nghiệp, mà còn cần sự đồng lòng và trách nhiệm của cả cộng đồng – đặc biệt là vai trò của người tiêu dùng và báo chí. Khi người tiêu dùng có đủ thông tin, kỹ năng nhận diện và dũng cảm nói không với hàng giả, hàng nhái thì đó chính là một “lá chắn” hữu hiệu bảo vệ thị trường trong nước.
Việc nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ là một hành vi tiêu dùng đúng đắn mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân đối với tương lai phát triển của đất nước. Chỉ khi hàng Việt thực sự chinh phục được niềm tin người Việt, mới có thể tạo dựng một thị trường minh bạch, bền vững.
Theo Chi cục Quản lý thị trường thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra đột xuất, giám sát liên tục hoạt động kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… trên địa bàn.
Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, yêu cầu mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Chi cục đã xây dựng Kế hoạch số 03/KH-QLTT chỉ đạo toàn lực lượng tổ chức triển khai trên quy mô toàn thành phố.
Điểm nhấn trong đợt cao điểm này là các đợt kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các khu vực chợ đầu mối, trung tâm thương mại, tuyến phố chuyên doanh và cả trên các nền tảng thương mại điện tử - nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý và bất cập trong quản lý, với hàng loạt hành vi vi phạm được che giấu dưới lớp vỏ giao dịch tiện lợi, linh hoạt và khó truy vết.
Song song đó, lực lượng Quản lý thị trường cũng kịp thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công điện số 72 và 82 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục mở rộng phạm vi giám sát và kiểm tra các hành vi vi phạm mới nảy sinh trong bối cảnh thị trường liên tục biến động.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.068 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái; chuyển cơ quan điều tra 37 vụ việc; xử phạt hành chính 33,9 tỷ đồng; thu hồi số tiền thu lợi bất hợp pháp 15 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu là 8,6 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 41,2 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 (bao gồm phạt hành chính, thu lợi bất hợp pháp và tiền bán hàng hóa tịch thu) đạt 53,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Công điện 65/CĐ-TTg và Chỉ thị số 13/CT-TTg, tổng số tiền thu nộp ngân sách là 10,42 tỷ đồng từ việc xử lý vi phạm. Hầu hết các hành vi, thủ đoạn kinh doanh hàng giả hiện nay đều lợi dụng những kẽ hở trong quy định pháp luật hoặc sự chồng chéo trong công tác kiểm tra giữa các lực lượng chức năng, từ đó tìm cách né tránh sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, kéo dài thời gian hoạt động bất hợp pháp và gây khó khăn cho việc xử lý triệt để./.