Cựu chiến binh Trần Văn Hùng được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh “Hùng xe Rùa” hay còn gọi là “Hùng Rùa” bởi anh đã sáng chế ra loại xe này.
TTXVN - Sau nhiều năm canh giữ biên cương Tổ quốc, anh Trần Văn Hùng (sinh năm 1970, ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên) đã phục viên trở về quê hương, bắt đầu gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Nhờ kiên trì, sáng tạo, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, anh đã gặt hái được thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho quê hương, tạo việc làm ổn định cho cựu chiến binh và con em của họ. Cựu chiến binh Trần Văn Hùng được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh “Hùng xe Rùa” hay còn gọi là “Hùng Rùa”.
* Tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi cùng lãnh đạo Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang đến tham quan nhà máy sản xuất của cựu chiến binh Trần Văn Hùng tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên. Nhà máy quy mô lớn, trên tổng diện tích 2 ha, trang thiết bị hiện đại và có 110 công nhân đang làm việc.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan nhà máy cựu chiến binh Trần Văn Hùng vừa hồ hởi cho biết thêm, năm 2023, Công ty sẽ triển khai xây dựng thêm Nhà máy cơ khí sản xuất "xe rùa” và các mặt hàng gia dụng, mức đầu tư trên 200 tỷ đồng trên tổng diện tích 4,5 ha.
Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, cựu chiến binh Trần Văn Hùng đã trải qua nhiều gian khó. Sau nhiều năm đóng quân tại tỉnh Hà Giang, nơi cực Bắc Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ phục viên trở về quê hương (năm 1992), cựu chiến binh Trần Văn Hùng lại phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đi làm nhiều công việc nặng nhọc để kiếm sống nhưng cũng không thể thoát nghèo. Chính vì vậy, anh luôn trăn trở nghĩ cách để lập nghiệp.
Năm 1993, cựu chiến binh Trần Văn Hùng vào học tại Trường Công nhân kỹ thuật 1 (nay là Trường Đại học Công nghiệp) chuyên ngành hàn. Sau khi ra trường, anh xin việc nhiều nơi nhưng rất khó vì khi đó các nhà máy, công xưởng đang thiếu việc, nền kinh tế cả nước lâm vào tình trạng khó khăn chung. Anh trở về quê hương, tìm hướng đi cho riêng mình.
Với kiến thức đã học, anh mạnh dạn vay mượn bạn bè, họ hàng mua một chiếc máy hàn. Lúc đầu, anh hàn cuốc, xẻng bị hỏng của gia đình và hàn dụng cụ lao động cho bà con làng xóm.
Bằng con mắt tinh tế, quan sát công việc hàng ngày của nhà nông cùng kiến thức đã học anh mày mò tạo ra chiếc xe một bánh có tay đẩy đầu tiên để vận chuyển. Nhận thấy sự tiện dụng của chiếc xe, anh tiếp tục tìm tòi cải tiến, đặc biệt phần bánh xe để xe chở được nhiều đồ hơn, dễ dàng vận hành trên mọi địa hình.
Lúc đầu anh chỉ có ý định tạo ra chiếc xe để cho gia đình dùng. Sau một thời gian, nhận thấy sự tiện dụng và bà con có nhu cầu, anh bắt đầu gò, hàn cho ra đời những chiếc “xe rùa” đầu tiên. Kết quả thật bất ngờ, xe của anh sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Từ đó, anh tập trung sản xuất “xe rùa”, không những vậy, anh còn làm tiếp thị để mở rộng thị trường trong huyện sau đó là các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương…
Chưa hết khó khăn, do đây là mặt hàng mới lại cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích của cửa hàng so với các mặt hàng khác nên nhiều cửa hàng cơ khí không muốn nhận bán xe cho anh. Anh nghĩ ra cách, mỗi cửa hàng anh ký gửi hai "xe rùa," một chiếc để bán, một chiếc dành cho chủ cửa hàng để mặt hàng, dụng cụ cơ khí nhỏ gọn.
Lại một lần nữa, niềm vui đến với anh, khi chiếc xe do anh sáng chế được nhiều khách hàng ưa chuộng vì sự tiện dụng, đa năng. Đơn hàng khắp nơi đổ về, anh quyết định đột phá, đầu tư mở rộng nhà xưởng bắt đầu sản xuất hàng loạt. Giai đoạn 2014-2015, có ngày xưởng của anh sản xuất hàng trăm chiếc “xe rùa” để kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Nhận thấy tiềm năng thị trường “xe rùa” còn rất lớn, anh có ý định công nghiệp hóa sản xuất "xe rùa" hàng loạt, tạo đột phá vươn lên chiếm lĩnh thị trường mặt hàng này. Tuy niên việc này không đơn giản, bởi máy móc cơ khí đòi hỏi nguồn vốn đầu tư quá lớn. Với bản lĩnh kiên định của người lính, anh quyết tâm thực hiện từng bước kế hoạch của mình.
Số tiền bán hàng khi đó anh đều để mua máy cơ khí mang về nghiên cứu cải tiến, áp dụng vào sản xuất "xe rùa". Chính quyền địa phương quan tâm, động viên, tạo điều kiện cho anh vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, nhờ đó năm 2017, anh thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí Hùng Thảo. Nhà máy của anh có khả năng sản xuất hàng trăm nghìn chiếc "xe rùa" mỗi năm, trở thành doanh nghiệp chuyên sản xuất "xe rùa" lớn nhất và duy nhất cả nước.
Năm 2021, đánh dấu bước ngoặt lớn khi một doanh nghiệp từ nước Mỹ đã tìm đến anh để đặt mua "xe rùa" với giá trị gần 1 triệu USD, mở ra hướng phát triển mới đối với công ty của anh.
Chưa bằng lòng với thành công đó, anh tiếp tục đầu tư, nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu sở thích của khách hàng tại thị trường mới mẻ này. Từ đó, nhiều loại sản phẩm “xe rùa” đã ra đời với mẫu mã chủng loại được khách hàng Mỹ ưa chuộng như mẫu xe có tay cầm bằng gỗ, vừa nhẹ vừa chắc chắn. Cùng với đó, anh bắt đầu tìm hiểu thêm một số thị trường ở nước ngoài. Nhờ luôn tìm tòi sáng tạo, cải tiến, nhà máy của anh đã có thể tự chủ sản xuất tất cả các công đoạn, linh kiện lắp ráp hoàn chỉnh một chiếc “xe rùa”.
Anh Hùng còn rất sáng tạo khi tận dụng, thu mua và tái sử dụng những chiếc lốp xe máy thải loại để dùng làm bánh xe cho xe rùa, góp phần bảo vệ môi trường.
Với nỗ lực không ngừng, đến nay doanh nghiệp của anh đã đạt nhiều thành công, trong đó thành công nhất là xuất khẩu sản phẩm “xe rùa” sang nhiều thị trường lớn như Mỹ, Australia với giá trị đạt gần 2 triệu USD mỗi năm.
* Tấm lòng người cựu chiến binh với quê hương
Đến nay, Công ty do anh Hùng sáng lập đã tạo việc làm thường xuyên cho 110 lao động địa phương, trong đó có nhiều lao động là cựu chiến binh, con em cựu chiến binh… với mức lương từ 8-12 triệu/tháng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Thuận cho biết, cựu chiến binh Trần Văn Hùng xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, được rèn luyện và trưởng thành trong quân đội, là tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, đồng thời giàu lòng nhân ái, yêu quê hương, đất nước.
Hàng năm, Công ty anh đều làm tốt công tác từ thiện với số tiền hàng trăm triệu đồng, giúp đỡ các gia đình thoát nghèo, người gặp hoạn nạn, khó khăn, gia đình chính sách. Ngoài ra, Công ty của anh còn giúp đỡ địa phương xây dựng công trình phúc lợi như đường bê tông, trường học, góp phần đưa huyện Tân Yên về đích nông thôn mới trước 2 năm so với kế hoạch.
Công ty của anh còn hỗ trợ Hội Cựu chiến binh cấp xã và huyện xóa nhà dột nát cho 3 gia đình với số tiền 30 triệu đồng, hỗ trợ dụng cụ sản xuất "xe rùa" cho hội viên nghèo, cận nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong huyện.
Cựu chiến binh Trần Văn Hùng luôn là hội viên tích cực, gương mẫu trong các phong trào của Hội như: Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi; Cựu chiến binh chung sức xây dựng nông thôn mới; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Đền ơn đáp nghĩa…
Với những thành tích đạt được, cựu chiến binh Trần Văn Hùng được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen như: Danh hiệu hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương (do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng); Bằng khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn; Bằng khen của tỉnh Bắc Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020; Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang vì đã có thành tích trong phong trào Đoàn kết-sáng tạo năm 2019…/.