Xã hội

Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam: Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Hà Nội

Đại biểu đề xuất phải có giải pháp căn cơ, tạo cơ chế đầu ra có lợi nhất cho nông dân khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm thường xuyên bấp bênh, bị ép giá.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, tại cánh đồng xã Phú Hữu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Tuấn Phi /TTXVN)

TTXVN - Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải trí thức hóa nông dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

* Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm

Đại biểu Hoàng Thanh Nam (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: "Hiện nay chúng ta đang trong xu hướng chuyển đổi số, nông dân đa phần đều có điện thoại thông minh, nên xem đó là công cụ lao động và có thể cập nhật nhanh thông tin, các định hướng, chủ trương, cách làm…".

Ông Hoàng Thanh Nam kiến nghị nên đưa vào chỉ tiêu 100% Hội Nông dân cơ sở tổ chức chương trình vận động, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2027, 95% hộ gia đình hội viên nông dân lập và sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Điều này cũng thể hiện vai trò của tổ chức Hội trong tham gia xây dựng xã hội số, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề xuất những giải pháp hỗ trợ nông dân, đại biểu Võ Văn Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị nhiệm kỳ tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần xem xét phối hợp với các ban, ngành tạo cơ chế chính sách giữa 3 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học) để sản phẩm làm ra được tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ông Thuận cho rằng không thể tiếp tục nhìn vào tín hiệu thị trường rồi đua nhau làm, sau đó lại kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất phải có giải pháp căn cơ, tạo cơ chế đầu ra có lợi nhất cho nông dân khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm thường xuyên bấp bênh, bị ép giá. Đại biểu Võ Văn Thuận mong muốn nhiệm kỳ mới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ quyết liệt hơn, có những giải pháp tích cực giải quyết những hạn chế này.

Đồng tình với giải pháp trên, đại biểu Đào Trọng Mười (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết đã tham gia Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo của tỉnh 7 năm nhưng vẫn chưa nhận được nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, nhất là về áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Đại biểu kiến nghị, trong tương lai, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có thêm nhiều chương trình, dự án giúp bà con, hội viên đưa thêm nhiều máy móc, thiết bị mới vào sản xuất hiệu quả hơn.

Đại biểu Đào Trọng Mười khẳng định, công tác đào tạo, tập huấn rất quan trọng với các hội viên, nông dân, đặc biệt là trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao. Hội Nông dân các cấp cần tổ chức thêm nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm để nâng cao kiến thức cho người dân, giúp bà con sử dụng trang thiết bị, kiến thức bán hàng qua các sàn thương mại, mạng xã hội đạt hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu kiến nghị các cấp Hội cần có thêm nhiều chương trình hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân, hội viên. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, người nông dân sản xuất đã vất vả, rủi ro nhiều nhưng khi bán sản phẩm lại phải qua nhiều khâu trung gian nên rất bấp bênh, thu nhập thấp. Nông dân cả nước mong muốn được đào tạo, hướng dẫn tiếp cận các kênh bán hàng hiệu quả để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập tốt hơn.

* Trí thức hóa nông dân

Đại diện Hội Nông dân tỉnh An Giang cho rằng, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, hiện đại nhằm giảm giá thành, tăng chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường trong nước và quốc tế là góp phần thực hiện chủ trương tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới mà những năm qua Chính phủ đang tập trung chỉ đạo.

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp, tỉnh An Giang trong triển khai liên kết với doanh nghiệp đã thực hiện phương châm (theo nguyên tắc 5 tự, 5 cùng) là ở đâu có nông dân là có hội viên, đã là hội viên thì tham gia vào Tổ hội, Chi hội Nông dân nghề nghiệp và cùng tuân thủ các qui định chung của hợp đồng đã ký kết. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với 30 doanh nghiệp liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa cho nông dân trong tỉnh với 96.000 ha, điển hình là Chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vận động nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại các vùng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 40.000 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 168 Chi hội, 1.172 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với gần 13.000 thành viên, 297 Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nhân nông thôn...

Để thực hiện có hiệu quả hơn việc liên kết chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, góp phần hỗ trợ xây dựng Tổ hợp tác, Hợp tác xã và Chi, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh An Giang cho rằng, cần có giải pháp trí thức hóa nông dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tăng cường hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, từng bước xây dựng thế hệ nông dân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa giàu lòng yêu nước, có tri thức khoa học, kỹ năng sản xuất, có ý chí vươn lên.

Hội Nông dân tỉnh An Giang đề xuất cần tăng cường vận động các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của hợp tác xã bằng nhiều hình thức như góp vốn, cử nhân sự giỏi quản lý điều hành quản trị hợp tác xã, tư vấn kỹ thuật để từng bước xây dựng, phát triển chuỗi giá trị liên kết ổn định, bền vững; vận động, khuyến khích nông dân thành lập mới Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp để thực hiện liên kết với doanh nghiệp; tạo điều kiện để doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng, là đầu mối đầu tư, quản trị, thiết lập hệ thống và xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường…/.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm