Cục Dân số đặt mục tiêu nâng tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của người dân lên 73,9 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ.
TTXVN - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam (26/12); triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác này năm 2024.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 và kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam, Bộ Y tế đã chọn chủ đề: "Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước" nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về việc sức khỏe người dân. Chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với lớp trẻ, nhóm đối tượng thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn để phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho họ; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp. Đồng thời, các cấp đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Các ban, bộ, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành, hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Thời gian tới, Cục Dân số đặt mục tiêu nâng tuổi thọ trung bình từ lúc sinh của người dân lên 73,9 tuổi; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tổng tỷ suất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ. Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB) xuống -0,1 điểm phần trăm so năm 2023; điều chỉnh mức sinh (+/-CBR) ở tỉ lệ +0,3‰ so với năm 2023. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại trong năm đạt trên 5 triệu người. Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống 15% so với năm 2023; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đủ 4 bệnh đạt 50%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đủ 5 bệnh đạt 60%. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng thêm 11% so với năm 2023.
Cục cũng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng Luật Dân số theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ Y tế, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiến tới trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Cùng với đó, Cục tiếp tục đôn đốc việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, gồm một số chương trình, đề án như: Chương trình Điều chỉnh mức sinh (Chương trình 588); Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (Chương trình 1848); mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh (Chương trình 1999); Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (Đề án 468).../.