Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Đảm bảo các điều kiện hoạt động của Công đoàn trong bối cảnh mới
Công đoàn Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước đảm bảo điều kiện hoạt động của Công đoàn trong bối cảnh mới; quan tâm tính đặc thù trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
TTXVN - Sáng 3/12, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn với Đảng, Nhà nước.
Đảng, Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động công đoàn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động.
Thông qua Đại hội Công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trước đó, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được nêu ở chương trình đối thoại của Thủ tướng với công nhân, lao động hàng năm, Diễn đàn Người lao động năm 2023 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và nhiều diễn đàn khác. Cơ quan chức năng theo thẩm quyền đang nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp giải quyết kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động.
Công đoàn Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước đảm bảo điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới; quan tâm tính đặc thù trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động.
Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra chiều 2/12, bên cạnh các kiến nghị liên quan đến tiền lương, an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã nêu lên nhiều kiến nghị liên quan đến hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Tổ chức Công đoàn đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích và trách nhiệm của người lao động và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Tổ chức Công đoàn đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động. Cụ thể, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội trong hệ thống chính trị nước ta, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Công đoàn được giao quản lý tài chính, tài sản theo hệ thống ngành dọc, xuyên suốt từ Tổng Liên đoàn xuống đến công đoàn cơ sở; tự thu kinh phí, đoàn phí để tổ chức hoạt động và đảm bảo duy trì bộ máy cán bộ công đoàn chuyên trách, tất cả hưởng lương từ Tổng Liên đoàn. Đây cũng là thông lệ chung của các nước trên toàn thế giới để đảm bảo Công đoàn độc lập với cơ quan Nhà nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, ngoài cán bộ làm công tác phong trào phục vụ tổ chức, công đoàn cần lực lượng chuyên môn cấp thiết làm công tác tài chính.
Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức trong bối cảnh mới; tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, thu nhập và an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động đảm bảo. Thêm vào đó, các đơn vị chức năng sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động; tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động Công đoàn…/.