Xây dựng Đảng

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Xây dựng môi trường làm việc có chỉ số hạnh phúc cao cho người lao động

Hà Nội

Đại biểu kiến nghị xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và môi trường làm việc có chỉ số hạnh phúc ngày càng cao với các chế độ chính sách ưu việt đối với đoàn viên, người lao động


TTXVN - Chiều 2/12, trình bày tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng môi trường làm việc có chỉ số hạnh phúc cao cho người lao động.

* Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người lao động

Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, nhiều tháng qua, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Bình Dương hăng hái thi đua lao động sáng tạo, lập thành tích chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đồng thời, tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho các văn kiện trình đại hội.

Đoàn viên Công đoàn, người lao động tỉnh Bình Dương đánh giá, văn kiện đại hội đã bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo công nhân, viên chức, lao động. Trong đó, có nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng hiện đại, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan tham luận tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo bà Nguyễn Kim Loan, Bình Dương là địa phương phát triển công nghiệp là chủ yếu, với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút hơn 60.000 doanh nghiệp có vốn trong nước và hơn 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với trên 1,3 triệu lao động chủ yếu là người ngoài tỉnh; lao động nữ chiếm 56%. Hiện nay, Bình Dương có số lượng đoàn viên đứng thứ 2 cả nước, với 820.000 đoàn viên và hơn 4.200 Công đoàn cơ sở.

Bình Dương là tỉnh có số lượng đoàn viên, lao động đông nên các vấn đề liên quan đến tình hình quan hệ lao động, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của đoàn viên, người lao động luôn là vấn đề lớn, được các cấp Công đoàn tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh cũng tích cực tham gia góp ý xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh; tổ chức giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW đối với các cơ quan, doanh nghiệp về tiền lương, thang bảng lương, nội quy lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, thỏa ước lao động tập thể.

Tại Đại hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để tổ chức Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cụ thể, thường xuyên nâng cao nhận thức của cán bộ Công đoàn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng, cần không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phong trào công nhân và hoạt động công đoàn thời gian qua, khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ khuyết điểm, yếu kém và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; tổ chức, phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc.

Công đoàn các cấp cần quan tâm, thúc đẩy và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người lao động, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động sản xuất. Đây là cơ sở để đề xuất, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động sẽ thuận lợi hơn.

Đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, chủ động đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến tình hình quan hệ lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

*Xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp

Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Vietcombank Hồng Quang cho biết, thời gian qua, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam luôn quan tâm, đẩy mạnh xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp trong toàn hệ thống ngành ngân hàng. Qua đó, mỗi đoàn viên, người lao động ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có động lực phấn đấu, sáng tạo hơn khi thực thi nhiệm vụ được giao.

Việc tích cực tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp của các cấp Công đoàn trong toàn hệ thống đã thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của hoạt động kinh doanh, gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển thương hiệu.

"Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Hơn ai hết, cán bộ ngân hàng phải có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng; có trách nhiệm cao, thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để dòng tiền - huyết mạch của nền tài chính quốc gia được thông suốt", ông Hồng Quang nhấn mạnh.

Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Vietcombank Hồng Quang tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Chủ tịch Công đoàn Vietcombank, trong những năm qua, ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm đến vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ ngân hàng, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp. Công đoàn các cấp đã phối hợp với chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm góp phần tăng niềm tin và giữ hình ảnh đẹp về ngành ngân hàng với văn hóa đạo đức trong kinh doanh, văn hóa trong chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động và văn hóa đạo đức trách nhiệm với cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực tế vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm yếu như chiến lược, mục tiêu kinh doanh chưa rõ ràng, thiếu tầm nhìn dài hạn; quản lý nhân sự còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Không ít doanh nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà bất chấp lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường thiên nhiên.

Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhiều nơi còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, mới tập trung vào các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ông Hồng Quang kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề về khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy vai trò của Công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong tình hình mới. Tiếp đó, đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền, giáo dục theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; kết hợp lý thuyết với thực tiễn, thiết thực trong đời sống, tạo cảm nhận gần gũi, dễ tiếp nhận nhằm thúc đẩy và chuyển hóa nhận thức của người nghe theo hướng tích cực, hiệu quả tránh giáo điều.

Chủ tịch Công đoàn Vietcombank Hồng Quang cũng kiến nghị xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và môi trường làm việc có chỉ số hạnh phúc ngày càng cao với các chế độ chính sách ưu việt đối với đoàn viên, người lao động./.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm