Xây dựng Đảng

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ

Hà Nội

Để nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể tại công đoàn cơ sở, Luật Công đoàn cần có quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ triệt để cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp.


TTXVN - Tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam chiều 2/12, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị dựa trên những kinh nghiệm thực tế từ cơ sở nhằm nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới; các ý kiến nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng đến mục đích xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.

*Đổi mới nội dung tuyên truyền

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám tham luận tại Đại hội. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám, với 29 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 2.882 công đoàn cơ sở và hơn 170.000 đoàn viên trong thời gian qua, công tác tuyên giáo công đoàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều đổi mới với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp, thích ứng với xu thế thông tin, truyền thông hiện đại và nhu cầu của đoàn viên, người lao động; tạo dựng được hình ảnh, niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn.

Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An có trang thông tin điện tử với trên 556 ngàn người theo dõi, trang Youtube Công đoàn Nghệ An bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, công đoàn tỉnh đã phối hợp xử lý hiệu quả 19 cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận trong hệ thống tổ chức công đoàn có nền nếp, hiệu quả với hơn 42 báo cáo viên cấp tỉnh, 20 cộng tác viên dư luận và hơn 2.600 báo cáo viên cấp huyện.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động của công đoàn Nghệ An còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác tuyên truyền đôi lúc thực hiện chưa kịp thời, chưa toàn diện, chưa sâu, chưa đủ sức thuyết phục. Nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động còn chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn. Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại một số doanh nghiệp chưa cao. Cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế nhất định về kiến thức, kỹ năng. Có lúc, có nơi, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động chưa kịp thời...

Từ thực tiễn tại tỉnh Nghệ An, ông Kha Văn Tám kiến nghị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng thông qua tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, sự kiện trọng đại, tạo thành các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, truyền cảm hứng, củng cố thêm niềm tin trong đoàn viên, công nhân lao động; quán triệt thực hiện đồng bộ đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, giáo dục theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp, tính giáo dục, thuyết phục; phù hợp với xu thế tiếp cận, chia sẻ thông tin của công nhân lao động hiện nay.

Đồng thời, nắm chắc tình hình, sâu sát với công nhân lao động; dự báo đúng, kịp thời tình hình đoàn viên, người lao động theo hướng đa chiều, có sự tương tác nhiều hơn, thường xuyên hơn giữa tổ chức công đoàn với đoàn viên, công nhân lao động; tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.

Để thực hiện thực hiệu quả mục tiêu đề ra, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám, công đoàn cần phối hợp tốt hơn nữa với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trong việc tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách tốt hơn cho người lao động về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phong trào, mô hình hoạt động như: Phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Thi thợ giỏi”; chương trình học tập “Nâng cao hiểu biết chính trị - pháp luật”.

*Tăng cường thương lượng, đối thoại

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TKG Taekwang Vina (Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc. (Ảnh: TTXVN phát)

Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TKG Taekwang Vina (Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc cho biết, là công ty 100% vốn Hàn Quốc, thành lập năm 1995, Công ty TKG Taekwang Vina chuyên sản xuất giày thể thao thương hiệu Nike. Công ty có 4 chi nhánh tại Đồng Nai và Tiền Giang với tổng số lao động hiện nay là 31.250 người, trong đó trên 85% là lao động nữ.

Những năm qua, Công đoàn cơ sở và chủ sử dụng lao động đã ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn quy định pháp luật như: Tăng thêm tiền lương cho người lao động từ 110% đến 150% khi làm việc theo ca; trả tiền làm việc những ngày phép năm 400%; có các loại phụ cấp, trợ cấp chuyên cần, đi lại, nhà ở, sinh hoạt phí, phụ cấp thâm niên... (bình quân trên 1,6 triệu đồng/người/tháng).

Ngoài ra, toàn thể người lao động được thưởng tết 150% tháng lương; tài trợ toàn bộ chi phí học bổ túc văn hoá, ngoại ngữ cho người lao động, gửi lao động đi tu nghiệp tại nước ngoài; lập phòng lưu trữ sữa, khám sức khoẻ sinh sản, hỗ trợ chi phí nuôi con nhỏ, cấp phát sữa bầu hàng tháng, xây dựng trường mầm non, phòng khám đa khoa khám bảo hiểm y tế tại doanh nghiệp… Tổng giá trị hưởng lợi từ các điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể khoảng 1.200 tỉ đồng.

Để có được bản thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và Ban Giám đốc Công ty đã xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở với Ban Giám đốc Công ty và các phòng ban nhằm thống nhất các chương trình hành động, thống nhất phương pháp giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và thống nhất nhận thức, mục tiêu chung là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Công đoàn cơ sở có nhiều hình thức để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, trong đó, thường xuyên thăm người lao động tại nhà trọ. Cụ thể, đại diện Ban Giám đốc Công ty và Ban Chấp hành Công đoàn tới thăm 100 người lao động tại nơi ở trọ để tìm hiểu cuộc sống thực tiễn và lắng nghe các ý kiến.

Qua hoạt động này giúp cho người lao động và Công đoàn gần gũi nhau hơn. Cũng chính từ những lần thăm hỏi tại nơi ở của người lao động đã giúp Công đoàn cơ sở, Ban Giám đốc hiểu thêm về cuộc sống của người lao động, từ đó có các giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Để nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể tại công đoàn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc kiến nghị, khi tham gia xây dựng Luật Công đoàn cần có quy định cụ thể về cơ chế bảo vệ triệt để cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước về kỹ năng đối thoại, thương lượng, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn tại cơ sở…/.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm