Xây dựng Đảng

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Nâng cao kỹ năng đàm phán, thương lượng cho cán bộ Công đoàn cơ sở

Hà Nội

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ, trong đó, vấn đề đối thoại lương, thưởng được đoàn viên, người lao động rất quan tâm.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại họp báo. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 3/12, tại Hà Nội, sau khi bế mạc Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố kết quả của Đại hội.

Phát biểu tại họp báo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang bày tỏ sự cảm ơn đối với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí với tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn đã kịp thời thông tin những nội dung quan trọng của đại hội.

Đại hội đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra, nhận được sự thu hút của đông đảo đoàn viên, người lao động cả nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể Trung ương và các địa phương quan tâm, theo dõi, ủng hộ, cổ vũ. Ông Nguyễn Đình Khang mong muốn, thời gian tới, các cơ quan báo chí tiếp tục cùng đồng hành với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những nội dung liên quan đến người lao động, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, 5 năm qua, Công đoàn đã kiến nghị tiền lương tối thiểu vùng tăng 25,34%. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số cuộc ngừng việc tập thể giảm 55,3%. Bên cạnh đó công nhân mong có thêm nguồn lực thúc đẩy đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại họp báo. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, mong mỏi của nhiều người lao động là cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Từ đó, người lao động nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại hệ thống bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội. Ngoài ra, công nhân mong Chính phủ xem xét giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, đề xuất giảm giờ làm việc với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần. Việc này tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình, đồng thời hướng tới công bằng với giờ làm khu vực hành chính (40 giờ/tuần).

Thông tin về lương, thưởng Tết Giáp Thìn 2024, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đã rất nỗ lực để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt sau COVID-19. Trước tình hình đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết sớm cho đoàn viên, người lao động, trong đó, có các chương trình hỗ trợ tiền, quà, tổ chức các chuyến xe, "0 đồng" về quê đón Tết cho người lao động.

Liên quan đến các giải pháp, chương trình hành động của Công đoàn để triển khai khâu đột phá "đối thoại tiền lương, thưởng" trong nhiệm kỳ mới, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ, gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Trong đó, vấn đề đối thoại lương, thưởng được đoàn viên, người lao động rất quan tâm. Để thực hiện việc này, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết sẽ phải tiếp tục đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn cơ sở về tiền lương, kỹ năng năng đàm phán, thương lượng…/.


Đỗ Bình

Tin liên quan

Xem thêm