Ở cương vị nào, Bác Tôn cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng: bình dị, thanh liêm chính trực, luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, hết lòng vì nước, vì dân.
TTXVN - Nhân 43 năm Ngày mất của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (30/3/1980 - 30/3/2022), ngày 30/3, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chi Minh do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu làm Trưởng đoàn, đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng dâng hương có đại diện lãnh đạo tỉnh An Giang, gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cán bộ lão thành cách mạng và đông đảo thầy cô giáo, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên các trường mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn đã thành kính dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực của cách mạng Việt Nam; người đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Tiếp đó, các đại biểu dự buổi họp mặt ôn lại truyền thống, cuộc đời sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người bạn, đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sỹ “gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Lenin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và cũng là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta vào tháng 8/1958.
Trong diễn văn tưởng niệm, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ: Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình trung nông, tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một miền quê giàu truyền thống yêu nước, từ một người thợ, Bác Tôn đã trở thành chiến sĩ cách mạng.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất vào ngày 30/3/1980 nhưng luôn sống mãi trong mỗi chúng ta bởi Bác Tôn đã để lại cho dân tộc di sản quý giá là lòng yêu nước, thương dân, tình đồng chí, niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công, vô tư, sự khiêm tốn, giản dị và trong sáng.
Dù ở bất cứ cương vị nào, từ người thợ, trong chốn lao tù hay khi gánh vác trọng trách của Đảng và Nhà nước, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí; hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Học tập ở Chủ tịch Tôn Đức Thắng ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh cách mạng, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhân cách của Bác Tôn là nhân cách của người cộng sản gương mẫu, tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, là bài học thiết thân của các thế hệ Việt Nam. Ở cương vị nào, Bác Tôn cũng thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng: bình dị, thanh liêm chính trực, luôn đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, hết lòng vì nước, vì dân.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.
Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã đón nhận 20 bài ca cổ ca ngợi Bác Tôn và quê hương An Giang của tác giả Nguyễn Văn Lãm ( công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) trao tặng; trao giải cho 5 cá nhân xuất sắc nhất trong Hội thi trực tuyến tìm hiểu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng” do Bảo tàng tổ chức.
Trước đó, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chi Minh đã viếng, dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh./.