6 tháng cuối năm, Cục sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra về khoáng sản, địa chất môi trường, tai biến địa chất.
Tăng cường điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung chính được đề cập tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm của Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hội nghị diễn ra chiều 26/6, tại Hà Nội.
Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Lê Quốc Hùng cho biết, Cục sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để phê duyệt 5 đề án: Điều tra, đánh giá cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng; điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Bắc Trung Bộ phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội; điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ trên các vùng có dị thường phóng xạ khu vực Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác hại môi trường; điều tra, đánh giá môi trường nền và lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực có nguy cơ ô nhiễm từ khoáng vật, nguyên tố có hại có nguồn gốc tự nhiên vùng Điện Biên - Lai Châu (vùng Tây Tây Bắc).
Bên cạnh đó, Cục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất môi trường, tai biến địa chất; tiếp tục triển khai các nội dung hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoáng sản đã được ký kết với các đối tác; ưu tiên điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam; bổ sung, hoàn thiện quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp và khả thi để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, Cục ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam; thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ các vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ và xác định công việc trọng tâm cần giải quyết hàng tuần, tháng, quý; thường xuyên trao đổi, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý các nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Sáu tháng đầu năm 2024, Cục đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Nghị định, Thông tư hướng dẫn (phần Địa chất) và các văn bản quy phạm pháp luật đã đăng ký năm 2024; công tác điều tra cơ bản; thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao…
Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành công tác tổng kết, trình phê duyệt và nộp lưu trữ 13/26 báo cáo đề án thành phần và 1 Báo cáo tổng hợp Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2024; hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để phê duyệt 5 đề án; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp và khả thi để thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Cục phối hợp chặt chẽ với Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường trong việc ứng dụng Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng phần mềm Quản lý nhân sự cho các đơn vị; chữ ký số trong các văn bản của Cục được sử dụng 100%.
Đặc biệt, Cục đã triển khai tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế chiến lược trong lĩnh vực địa chất. Cụ thể là phối hợp với Cục Tài nguyên năng lượng Hoa Kỳ tổ chức thảo luận về phương pháp tiếp cận quản lý chuỗi nguyên liệu thô để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Hội đàm chuyên đề “Khai thác cát ngoài khơi bền vững”. Cục đã tổ chức Đoàn công tác tại Hoa Kỳ để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn về điều tra cơ bản địa chất, kinh tế địa chất và các phương pháp định giá trữ lượng tài nguyên khoáng sản và tại Australia để khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản lý hoạt động khoáng sản./.