Xã hội

Dành nguồn lực giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững

Lào Cai

Tỉnh Lào Cai đặc biệt quan triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách.

Công nhân chăm sóc quả chanh leo chờ thu hoạch
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp, dành nguồn lực với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững. Theo đó, tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nỗ lực tạo việc làm cho người dân được coi là giải pháp căn cơ. Nhờ vậy, năm 2023, Lào Cai có thêm 630 hộ tại 10 xã nghèo nhất tỉnh thoát nghèo.

* Những mô hình hay, hiệu quả

Lào Cai hiện có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, còn được gọi là vùng "lõi nghèo", đó là: Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà), Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát), Nậm Chày (huyện Văn Bàn), La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Đây là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Để giúp các địa phương này thoát nghèo, Lào Cai ưu tiên triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và triển khai, thực hiện mô hình khuyến nông hiệu quả. Trong đó, thành công từ mô hình “Chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” đã mở hướng làm ăn mới cho bà con các xã khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai từ con giống bản địa.

Mô hình "Chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả dựa vào quản lý cộng đồng" do Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai tại xã Lùng Cải (huyện Bắc Hà) từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2023, với 35 hộ tham gia, quy mô 135 con lợn đen bản địa, kinh phí thực hiện trên 498 triệu đồng.

Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% thức ăn hỗn hợp, hóa chất sát trùng, thuốc tẩy ký sinh trùng và chế phẩm sinh học, kinh phí tập huấn kỹ thuật, nghiên cứu học tập, quản lý giám sát, tổng kết đánh giá nhân rộng mô hình. Hộ tham gia mô hình đối ứng 100% con giống, vaccine, chuồng trại, công lao động và các loại vật tư thiết yếu khác.

Chuyên viên phòng nông nghiệp huyện xuống tận vườn mận các gia đình tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc để có quả mận tam hoa ngon, ngọt đúng vụ phục vụ du khách đến với huyện Bắc Hà
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Bà Ly Thị Tùng ( xã Lùng Cải) cho biết, việc chăm sóc đàn lợn theo mô hình này khác hoàn toàn với cách nuôi lợn thả rông trước đây. Gia đình cải tạo chuồng trại cho thoáng mát, vệ sinh thường xuyên và phun thuốc khử trùng một tuần hoặc hai tuần một lần, tùy thuộc vào thời tiết... Thức ăn của lợn chủ yếu là cám gạo, bột ngô nấu chín cùng các loại rau nhà trồng được. Được chăm sóc đúng quy trình, đàn lợn của gia đình rất nhanh lớn, chất lượng thịt tốt, bán giá cao hơn và dễ tiêu thụ.

Các hộ tham gia mô hình cho biết, tỷ lệ lợn nuôi sống đến khi xuất bán đạt 100%. Lợn có trọng lượng bình quân 87 kg/con, tổng sản lượng đạt gần 12 tấn (tăng 24% so với kế hoạch). Giá trị thu nhập tăng khoảng 53% so với chăn nuôi đại trà.

Tại xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), mô hình này phát triển với quy mô nuôi 84 con/20 hộ ở thôn Sín Lùng Chải và thôn Lùng Khấu Nhin. Kết quả cho thấy, lợn đạt trọng lượng bình quân 83 - 84kg/con (đạt 105% kế hoạch), tổng sản lượng trên 7 tấn (đạt 102% kế hoạch), tăng 76% giá trị thu nhập so với chăn nuôi đại trà.

Lào Cai từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon nhưng sản lượng không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Mô hình không chỉ đem lại thu nhập cao giúp nông dân từng bước xóa đói giảm nghèo mà từ đây, nông dân tự tin, mạnh dạn, chủ động nguồn lực và góp vốn, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất.

* Giải pháp giảm nghèo bền vững

Cùng với phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phấn đấu bình quân mỗi gia đình có một lao động đi làm việc ở ngoài xã là mục tiêu của Lào Cai đặt ra trong chỉ đạo giải quyết việc làm cho người dân ở 10 xã nghèo nhất tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập và xóa nghèo ở vùng “lõi”nghèo.

Cây canh leo được phát triển ổn định, cho quả đều tại Hợp tác xã Thế Tuấn, xã Chiềng Ken
Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới ở 10 xã nghèo nhất tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tích cực khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề; triển khai, tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các xã nghèo theo Đề án 10-ĐA/TU của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025.

Năm 2023, Lào Cai đã tổ chức được 14 hội nghị tuyên truyền, phiên giao dịch việc làm, thu hút 1.386 lao động tại 10 xã nghèo tham gia. Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như: đưa tin trên truyền hình, loa phát thanh, cổng thông tin điện tử, các hình thức quảng cáo nơi công cộng, các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook... để người lao động biết thông tin chính xác đăng ký quay lại thị trường lao động làm việc; đồng thời, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tuyển dụng lao động để phòng tránh thiệt hại cho người lao động.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai Trương Hồng Trường cho biết, để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân vũng “lõi nghèo” điểm mấu chốt là phải thiết lập và thực hiện tốt cơ chế thông tin hai chiều giữa các xã nghèo và Trung tâm. Để thực hiện, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm tại 10 xã nghèo, từ đó thống nhất với các xã về thời gian tổ chức phiên giao dịch việc làm tại địa phương. Các xã có trách nhiệm cung cấp nhu cầu việc làm của người dân để Trung tâm tìm kiếm thông tin việc làm phù hợp. Trung tâm sẽ thông tin, cập nhập các đơn hàng, thông tin tuyển dụng lao động với đầy đủ chế độ, quyền lợi để các xã căn cứ tuyên truyền tới người dân, tránh tình trạng người dân tự tìm việc làm (qua mạng xã hội, bạn bè lôi kéo) hoặc không tìm được việc làm.

Năm 2023, sản lượng lê Nậm Pung ước đạt khoảng 90 tấn
Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã phối hợp đưa khoảng 140 lao động ở 10 xã nghèo đi làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, các khu công nghiệp ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương…, giúp người lao động có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.

Tỷ lệ giảm nghèo tại 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai trong năm 2023 đạt 10,41% (tương đương 630 hộ); vượt 0,8% chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra (9,61%). Theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, các xã đạt 5,8 tiêu chí/xã, tăng trung bình 1,6 chỉ tiêu/xã so với năm 2022. Đây là những bước tiến quan trọng, là bàn đạp cho công tác giảm nghèo bền vững nói chung của địa phương những năm tiếp theo.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo các xã còn lại đạt 17,26%. Như vậy, trong hai năm 2024 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 10 xã phải giảm tử 50,54% xuống dưới 20% (phải giảm tối thiểu 30,54%). Đây thực sự là thách thức đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu trên, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, tỉnh chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các xã. Tỉnh đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, có tác động lâu dài đến công tác giảm nghèo; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho 10 xã nghèo để khuyến khích tạo việc làm cho người lao động.../.

PV

Xem thêm