Tết Nguyên đán 2024, Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thăm hỏi nhân dân và doanh nghiệp gặp khó khăn
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc thành phố dành thời gian đi cơ sở để thăm hỏi, động viên nhân dân và doanh nghiệp bị tác động, ảnh hưởng do khó khăn của tình hình kinh tế.
TTXVN - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vừa có Chỉ thị về tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh; trong đó yêu cầu tập trung thăm hỏi, động viên nhân dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do tình hình kinh tế và không tổ chức đi thăm chúc Tết cấp trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc thành phố dành thời gian đi cơ sở để thăm hỏi, động viên nhân dân và doanh nghiệp bị tác động, ảnh hưởng do khó khăn của tình hình kinh tế; kịp thời nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Các đơn vị xây dựng lịch công tác, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả mọi công việc, tình huống phát sinh. Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, phát huy hiệu quả nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp vì nhân dân phục vụ; không để việc giải quyết thủ tục hành chính gây phiền hà, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, các đơn vị thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân; tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất tinh thần người lao động; chi trả lương, thưởng sớm để người lao động chủ động mua sắm Tết; phối hợp các đoàn thể ở địa phương chăm lo, tổ chức thăm hỏi các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, trẻ em mồ côi, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có điều kiện đón Tết đầm ấm, vui tươi.
Người đứng đầu Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp thuộc thành phố không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân Thành phố nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp bằng mọi hình thức; đồng thời không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu để xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và các vụ việc gây mất an ninh trật tự nghiêm trọng khác. Tăng cường chỉ đạo xử lý các vi phạm về an ninh trật tự tại phường, xã, thị trấn, không để phát sinh điểm nóng tại địa phương, nhất là các hoạt động cờ bạc, tụ tập gây mất trật tự, vi phạm về tiếng ồn, nhất là các hình thức hát karaoke tự phát gây phiền hà tại cộng đồng dân cư.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Nội vụ tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan hành chính nhà nước trong những ngày cận Tết và sau khi nghỉ Tết; qua đó, xử lý hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị lơ là công việc, thiếu giám sát giờ giấc, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường, giám sát và nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp thuộc địa bàn, kế hoạch trả lương, tiền thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho công nhân, người lao động; hỗ trợ kịp thời những doanh nghiệp gặp khó khăn, không có khả năng chi trả lương và tiền thưởng Tết cho công nhân; không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãn công.
Về hàng hóa trong dịp Tết, Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Công Thương phối hợp các đơn vị chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố được giao nhiệm vụ phối hợp thường xuyên với lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và có biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết các “xe dù, bến cóc”, các trường hợp phương tiện chở khách quá số người quy định ngay từ điểm đón, trả khách và trong suốt hành trình vận chuyển; tổ chức, phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, có lưu lượng phương tiện tăng đột biến, đặc biệt các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm như sân bay Tân Sơn Nhất, ga Sài Gòn, các bến xe liên tỉnh, cụm Cảng Cát Lái và Trường Thọ…/.