An sinh

Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng chương trình giảm nghèo

TP. Hồ Chí Minh

Hầu hết hộ nghèo chuyển thành cận nghèo hoặc thoát nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo đều có kế hoạch, nỗ lực phấn đấu rất tốt. Nhiều hộ chọn giải pháp trợ vốn, sinh kế để vượt khó thoát nghèo. Nhiều hộ chọn vay vốn nuôi con ăn học, trưởng thành, giúp họ thay đổi cuộc sống…

Lãnh đạo Quận ủy - HĐND - UBND - UB.MTTQ Quận 5 trao tặng phương tiện làm sinh kế cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN)

TTXVN - Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thành công với chương trình giảm nghèo bền vững theo tiêu chí Thành phố khi kéo giảm hơn 24.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nổi bật là Quận 5 hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; Quận 10 và Bình Tân hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo

Một trong những điển hình thoát nghèo được nhiều người biết đến ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân là gia đình chị Dương Thị Lan Hương (gia đình gồm chị, 3 con nhỏ và mẹ già, sau khi chồng mất vì bệnh). Thời điểm khó khăn nhất, chị Hương được chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở sạp bán hải sản và bỏ mối cho các quán ăn trên địa bàn.

Gắn bó thường xuyên với gia đình chị Hương, bà Lưu Thị Hiền, Tổ trưởng Tổ giảm nghèo Khu phố 10, phường Tân Tạo cho biết, từ nguồn vốn ban đầu, cùng sự chăm chỉ, nỗ lực vượt khó, sạp hải sản của chị Hương luôn đông khách. Cuộc sống gia đình dần ổn định và thoát nghèo từ giữa năm 2023.

Bà Hiền cho biết, cùng với chị Hương, đến nay, 18 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo trong khu phố đã có cuộc sống ổn định vàxin ra khỏi danh sách nghèo, góp phần đưa quận Bình Tân không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố giai đoạn 2021-2025 trước 2 năm.

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình chị Phạm Thị Thu Hạnh (ngụ Phường 3, Quận 5) được xác định là hộ nghèo ngay từ khi phúc tra ở đầu giai đoạn 2021-2025. Cuộc sống cả nhà dựa vào xe bán bánh mỳ cũ kỹ, bấp bênh.

Nhờ bà con trong khu phố và chính quyền phường hướng dẫn, tạo điều kiện, chị Hạnh được tiếp cận nguồn vốn giảm nghèo. Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường hỗ trợ sắm dụng cụ buôn bán mới. Từ đó, cuộc sống đã khá hơn so với trước đây. Nỗ lực vượt khó, cùng sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đoàn thể phường, chị Hạnh từng bước vươn lên, thu nhập từ 38 triệu tăng lên 54 triệu đồng/người/năm và thoát nghèo giữa năm 2023.

Quận 5 là địa phương đầu tiên được Ủy ban nhân dân Thành phố công nhận không còn hộ nghèo theo tiêu chí Thành phố giai đoạn 2021-2025 trước 2 năm. Bà Nguyễn Thị Đẹp, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh Xã hội Quận nhìn nhận, phong trào vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương cùng nhà hảo tâm tham gia hỗ trợ, giúp người nghèo có cuộc sống ổn định. Kết quả trên không chỉ là sự động viên, chăm lo, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và đoàn thể Quận, Phường mà đó còn là ý thức tự giác, nỗ lực của từng thành viên trong mỗi gia đình.

Bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hầu hết hộ nghèo, cận nghèo đều xin ra khỏi chương trình bởi đã có thu nhập ổn định (vượt chuẩn nghèo, cận nghèo) và đảm bảo các chiều thiếu hụt.

Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có thu nhập khá cao với các yếu tố thoát nghèo bền vững thông qua vay vốn tạo việc làm ổn định, vay vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên đến khi tốt nghiệp ra trường. Nhiều hộ sau thời gian mua bán, kinh doanh ngày càng phát triển, đã xin ra khỏi chương trình. Nhiều hộ con cái trưởng thành, tốt nghiệp ra trường có việc làm và thu nhập ổn định. 

Đặt người nghèo vào trung tâm chính sách

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết hộ nghèo chuyển thành cận nghèo hoặc thoát nghèo và hộ cận nghèo thoát nghèo đều có kế hoạch, nỗ lực phấn đấu rất tốt. Nhiều hộ chọn giải pháp trợ vốn, sinh kế để vượt khó thoát nghèo. Nhiều hộ chọn vay vốn nuôi con ăn học, trưởng thành, giúp họ thay đổi cuộc sống…

Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Thơm, Trưởng Ban điều hành Khu phố 10, phường Tân Tạo cho biết, chính quyền, khu phố rất quan tâm, động viên, chia sẻ, tạo điều kiện cho gia đình khó khăn, nhất là hộ nghèo, cận nghèo vay vốn, có ý thức vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, địa phương không chỉ đồng hành với hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng giải pháp mà còn kịp thời tư vấn, định hướng để họ sử dụng vốn đúng mục đích. Quan trọng hơn là ý thức nỗ lực vươn của họ.

Để giảm nghèo bền vững, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân chia sẻ nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ linh hoạt, phù hợp, bảo đảm bám sát nhu cầu thực tế và hoàn cảnh từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo. Quận chú trọng thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ vay vốn, thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm, giá nước sinh hoạt...

Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau, cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân trong quận cùng chung sức, đồng lòng, phân công Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Quận ủy chăm lo hộ nghèo thoát nghèo. Quận tổ chức Chương trình nghệ thuật "Nghĩa tình Bình Tân" vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo"; xây dựng và sửa chữa 32 căn nhà tình thương, trao tặng phương tiện sinh kế như xe máy, máy may, xe nước mía, xe đẩy tay; duy trì giải pháp hỗ trợ nâng thu nhập cho hộ vừa thoát nghèo để họ không tái nghèo…, bà Lê Thị Ngọc Dung chia sẻ.

Tại Quận 10, ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận cho biết, nhiều mô hình thoát nghèo thông qua khảo sát, nắm bắt nhu cầu của trường hợp hộ nghèo, cận nghèo. Từ thực tiễn, địa phương có giải pháp hỗ trợ phù hợp như giới thiệu việc làm, vay vốn; hỗ trợ học bổng, sinh kế; xây dựng nhà tình thương... giúp các hộ có điều kiện làm ăn, sinh sống.

Với cách làm thiết thực, Chương trình giảm nghèo đa chiều tại Quận 10 góp phần đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giáo dục và đào tạo, y tế, việc làm, điều kiện sống… góp phần thu hẹp mức sống chênh lệch giữa các cộng đồng dân cư. Hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều Thành phố, song Quận tiếp tục hỗ trợ để các hộ vừa thoát nghèo vươn lên bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chia sẻ Chương trình giảm nghèo bền vững, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao việc các địa phương xác định “đặt người nghèo vào trung tâm chính sách", khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo, tạo ra tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

"Đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm thường xuyên của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội để thúc đẩy địa phương phát triển góp phần cùng Thành phố Hồ Minh hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo tiêu chuẩn nghèo Thành phố vào năm 2025", bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2023, chương trình giảm nghèo bền vững kéo giảm hơn 13.200 hộ nghèo (đạt 137,61% kế hoạch năm 2023) và giảm hơn 11.000 hộ cận nghèo (đạt 155,92% kế hoạch), góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI trước thời hạn 2 năm. Thành phố hiện còn hơn 22.900 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 0,90%/tổng hộ dân thành phố), trong đó có hơn 8.400 hộ nghèo và gần 14.500 hộ cận nghèo./.

Thanh Vũ

Tin liên quan

Xem thêm