Với định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ khi mới tham gia lớp học, người lao động nông thôn không chỉ được nâng cao tay nghề mà còn có cơ hội làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang từng bước đổi mới theo hướng gắn với nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và phù hợp với điều kiện của người lao động. Với định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ khi mới tham gia lớp học, người lao động nông thôn không chỉ được nâng cao tay nghề mà còn có cơ hội làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp thuộc ngành nghề đã được đào tạo hoặc tự tạo việc làm cho bản thân, góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững trong tương lai.
*Đào tạo nghề theo nhu cầu
Xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm là địa phương đang phát triển mạnh mẽ các ngành nghề sản xuất nông nghiệp với nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp. Xác định nhu cầu của nhiều lao động ở nông thôn cần phát triển tay nghề trong lĩnh vực này, địa phương đã linh hoạt tổ chức các lớp học nghề phù hợp. Hiện tại, xã đang tập trung hoàn thành 3 lớp học nghề vận hành xe cuốc cho hơn 100 lao động ở địa phương. Lớp học được tổ chức trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người lao động, hướng việc nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ và định hướng việc làm cho những người đang có nhu cầu gắn bó với các công việc trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm Nguyễn Hồng Nâu cho biết, học viên của lớp phần lớn đang làm việc tại các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp nhưng chưa có chứng chỉ tay nghề nên rất muốn tham gia lớp học đào tạo nghề. Do đó, lớp học được tổ chức vào các buổi chiều tối của ngày thứ 6 và thứ 7 để mọi người thuận tiện, tham gia đầy đủ. Đến lớp học, bên cạnh được giáo viên hướng dẫn các kiến thức căn bản, người lao động còn được thao tác trực tiếp trên máy, thực hành thực tế tại các bãi đất ở địa phương nên đã nâng cao được các thao tác, kỹ năng thực hành.
Quá trình tham gia lớp học, anh Lê Quốc Vững (xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm) đã tìm hiểu được nhiều kiến thức, kỹ năng vận hành xe cuốc để phục vụ công việc. Anh Vững chia sẻ: “Nghề này đang phát triển ở địa phương và rất phù hợp với sở thích của mình. Lớp học rất thuận tiện cho anh em vì có thể tranh thủ sau giờ làm kinh tế gia đình thì mình có thể đến lớp. Học nghề xong, về lâu dài, tôi dự định sẽ mua thiết bị về tự vận hành, trước mắt là cải tạo đất vườn, sau đó có thể tự làm dịch vụ bên ngoài để có thu nhập.”
Là địa phương tiếp giáp với khu công nghiệp nên xã Phú Quới, huyện Long Hồ xác định lực lượng lao động nông thôn hiện có nhu cầu việc làm tại địa phương đa phần là người hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, phụ nữ và người lao động lớn tuổi. Theo đó, địa phương đã tập trung phát triển các ngành nghề về thủ công mỹ nghệ, không đòi hỏi cao về chuyên môn, thời gian và sức khỏe để phù hợp với điều kiện của người lao động đang có nhu cầu. Qua các lớp đào tạo, nhiều lao động đã có chứng chỉ tay nghề, từ việc phải gia công sản phẩm cho cơ sở khác đã dần tự mình phát triển, phối hợp cùng địa phương mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho những người xung quanh.
Chị Lâm Thanh Thúy Quyên (ngụ xã Phú Quới, huyện Long Hồ) đã mở cơ sở đan thảm lục bình, hơn 4 năm qua đã thu hút nhiều lao động đến làm việc. Được sự hỗ trợ của địa phương, hàng năm chị mở các lớp đào tạo nghề đan thảm lục bình cho người dân ở địa phương và cung cấp sản phẩm để học viên nhận về gia công, giúp các học viên có cơ hội việc làm ổn định với thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng. Với đặc trưng công việc không đòi hỏi chuyên môn, không nặng nhọc và không giới hạn về thời gian nên lớp học nghề đan thảm lục bình ở cơ sở đã thu hút khá nhiều lao động như: Người lớn tuổi, canh tác nghề nông hoặc nội trợ.
Bà Trần Thị Hoa (ngụ xã Phú Quới, huyện Long Hồ) phấn khởi khi được hướng dẫn làm thành thạo các loại sản phẩm. Bà Hoa nói: “Tôi đã biết nghề đan thảm lục bình từ lâu nhưng không có điều kiện học, nay địa phương mở lớp học này thì tôi đến đây tham gia. Học nghề này, tôi sẽ kiếm thêm thu nhập cho gia đình, sau hướng dẫn lại cho chị em ở gần nhà có việc làm trong thời gian rảnh rỗi".
Thấy được hiệu quả từ việc học nghề, hai vợ chồng ông Mạc Văn Tư ở xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ cũng đến để đăng ký tham gia lớp học. Ông Tư phấn khởi nói: “Bình thường làm nông, xong mùa rồi thì có thời gian rảnh nhưng không biết làm gì. Vợ chồng tôi tham gia lớp này thấy rất có ích. Ngoài thời gian làm ruộng, đưa đón cháu thì chúng tôi tranh thủ mỗi khi rảnh làm thêm vài sản phẩm nên cũng tích góp được một ít, trang trải chi phí trong gia đình".
*Nâng cao tay nghề, tăng thu nhập bền vững
Với phương châm chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Vĩnh Long đã mang đến những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho người dân. Thông qua việc được đào tạo phù hợp với điều kiện năng lực và nhu cầu của bản thân, người dân phấn khởi tham gia học nghề, sau đó làm việc và gắn bó lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND xã Phú Quới, huyện Long Hồ Nguyễn Quốc Phi cho biết, thời gian qua, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn của xã đã mang lại hiệu quả tích cực. Các lớp được tổ chức sau khi đã rà soát về nhu cầu của người học, cơ hội làm việc và thu nhập, do đó ngay khi kết thúc, hầu hết học viên đều có việc làm. Thông qua các lớp đào tạo này không chỉ nâng cao kỹ năng cho người lao động mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, thực hiện đề án đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, hàng năm tỉnh đều giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các địa phương để triển khai thực hiện. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 13.770 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,2%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 23,5%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, các địa phương tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề cho người lao động theo chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng cho hơn 2.000 học viên.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà cho biết, với phương châm chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm của người lao động, công tác đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả. Bình quân hàng năm, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt khoảng 80% trở lên. Điển hình như ngành nghề nông nghiệp, thủ công nghiệp, qua đào tạo, người lao động sẽ có đủ điều kiện để đến các cơ sở sản xuất kinh doanh làm việc hoặc nhận sản phẩm về gia công tại nhà; trong ngành nghề vực xây dân dụng thì dễ dàng vận động lực lượng thợ hồ để tham gia học tập nhằm có thêm kiến thức và trang bị thêm các kỹ năng về an toàn lao động, đặc biệt là người lao động có được chứng chỉ, cơ hội làm việc với mức thu nhập cao hơn.
Mặc dù phát huy hiệu quả nhưng theo đánh giá, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như một số địa phương chưa chặt chẽ trong phối hợp tuyên truyền vận động người dân tham gia học nghề, một bộ phận người lao động còn ngại dành thời gian đi học....
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đào tạo nghề khi có việc làm. Để thực hiện hiệu quả công tác này thì quan trọng là phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích khi tham gia lớp học nghề.
Bên cạnh đó, ngành tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát, mở những lớp vừa phù hợp với nhu cầu của người lao động nông thôn vừa gắn với nhu cầu của thị trường, tạo điều kiện tốt nhất về thời gian, phương tiện thực hành để thu hút người lao động quyết tâm tham gia học tập và theo đuổi ngành nghề này trong tương lai.
Về lâu dài, ngành tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và xã hội hóa để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người lao động có tay nghề và việc làm sau học nghề với thu nhập ổn định./.