Tổ chuyển đổi số cộng đồng được thành lập nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
TTXVN - Ngày 17/3, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình thí điểm hoạt động Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn năm 2022.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, chuyển đổi số chỉ thành công nếu thu hút được sự tham gia của toàn dân và chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực.
Tổ chuyển đổi số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, đặc biệt thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng ở các ấp/khu phố là những người gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, Tổ chuyển đổi số cộng đồng được thành lập nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị, các huyện, thành phố khẩn trương kiện toàn, thành lập 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, cấp xã, ấp/khu phố và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tham gia. Các địa phương cần rà soát, nhân rộng triển khai các mô hình điểm, các hoạt động điển hình về công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và tham gia sử dụng các nền tảng số đã và đang được triển khai ở các địa phương như: mô hình chợ 4.0; tuyến đường không dùng tiền mặt; Mô hình Tổ nhân dân tự quản chuyển đổi số; tổng đài tự động giải đáp thắc mắc về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; quét mã QR để mừng tiệc cưới, hỏi, tân gia,…; thanh niên khởi nghiệp thông qua các nền tảng số; sản xuất, kinh doanh có thời đại 4.0; công dân số…
Theo bà Lâm Như Quỳnh, Bí thư tỉnh Đoàn Bến Tre, Tổ chuyển đổi số cộng đồng các cấp tích cực tuyên truyền người dân về chủ trương chuyển đổi số; tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến bằng tài khoản dịch vụ công. Cùng với đó, Tổ tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân, các tiểu thương đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money; ngân hàng điện tử; ví điện tử Momo, Zalo Pay, sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch; vận động thành lập các chợ không dùng tiền mặt tại địa phương; vận động cài đặt ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử, các app thông minh của tỉnh và các địa phương. Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn thanh niên khởi nghiệp sử dụng các sàn thương mại điện tử, mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng 4.0 trong sản xuất kinh doanh…
Sau 1 năm triển khai thí điểm mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng, tất cả 9 huyện trong tỉnh đã thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện (đạt 100%); 157/157 xã, phường, thị trấn thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã (đạt 100%) và 662/968 ấp, khu phố thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng. Thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng đạt hơn 7.000 người./.