Khoa học

Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên

Cần Thơ

Sản phẩm ô tô điện có kích thước dài 2,5m, rộng 1m, được thiết kế 2 chỗ ngồi với cốp phía trước và thùng hàng phía sau.

Nhóm sinh viên cùng giảng viên Khoa Cơ khí Động lực nghiên cứu mô hình động cơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Những năm qua, hàng trăm thanh niên ở Kiên Giang đã triển khai thành công các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bằng tinh thần nhạy bén, sáng tạo của mình cùng với sự quan tâm tạo điều kiện tổ chức đoàn. Qua đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao giá trị kinh tế nông sản, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

*Thành công từ thực tế

Anh Đoàn Ngọc Dũng (30 tuổi), thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp chia sẻ, để có được những dòng sản phẩm bán chạy trên thị trường như hôm nay, anh đã gặp không ít khó khăn và có cả những lần thất bại. Ý tưởng khởi nghiệp từ những sản phẩm tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ, tinh dầu sả…. là do anh nhận thấy ở Kiên Giang có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, nhất là củ nghệ đỏ. Cùng với đó qua nghiên cứu, tìm hiểu Dũng thấy nghệ đỏ có tác dụng làm giảm nguy cơ viêm loét dạ dày và bệnh ung thư ở người Việt Nam nên anh đã mạnh dạn hình thành ý tưởng khởi nghiệp và phát triển các dòng sản phẩm từ nguyên liệu này.

Chủ Cơ sở sản xuất Nathea, anh Đoàn Ngọc Dũng cũng cho biết, trước đây tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học và các sản phẩm Nghệ Đỏ và tinh dầu ra đời từ kiến thức của những lần bảo vệ đề tài khoa học thành công trước đó.

Để tạo ra bộ sản phẩm Nghệ Đỏ và tinh dầu, tôi mất hơn 5 năm ròng rã vừa nghiên cứu và phát triển thị trường. Bởi, những tiêu chuẩn và sự khắt khe của cơ quan đánh giá chứng nhận Quacert, họ kiểm tra gắt gao từ khâu trồng, sản xuất đến khâu bao bì sản phẩm…

Đến nay, Cơ sở sản xuất Nathea nhận giấy Chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Kiên Giang về sản phẩm Tinh dầu Khuynh Diệp, Tinh dầu Gừng, Tinh dầu Nghệ, Tinh bột Nghệ Đỏ Nathea. Đồng thời, các bộ sản phẩm: Tinh dầu xịt phòng, Tinh dầu sả, Tinh dầu vỏ chanh, Tinh dầu lá chanh đạt chứng nhận à Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2023.

Đại diện nhóm sinh viên giới thiệu về thiết kế động cơ của ô tô điện. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Theo anh Dũng, qua hơn 3 năm phát triển, các sản phẩm của Cơ sở sản xuất Nathea được nhiều khách hàng tin dùng và thị trường ngày càng được mở rộng với doanh số bán ra trung bình hàng năm hơn 3 tấn tinh bột nghệ, từ 5.000 đến 7.000 chai tinh dầu các loại.

“Bên cạnh mang về nguồn thu nhập cho gia đình, tôi cảm thấy vui vì đã tạo việc làm cho nhiều người và thu mua bạch đàn, sả, gừng, nghệ…của nông dân với mức giá ổn định. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, chính quyền địa phương, Tỉnh đoàn Kiên Giang tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thời gian tới, cơ sở Nathea sẽ chuyển đổi mô hình sản xuất từ hộ cá thể sang hướng hình thành Hợp tác xã Dược liệu Nathea, nhằm tạo việc làm cho các hộ dân trong khu vực, phát triển mô hình trồng và sản xuất các loại dược liệu tại huyện Tân Hiệp”, anh Dũng chia sẻ.

Bên cạnh tinh thần năng nổ, nhiệt huyết trong công tác đoàn, anh Danh Nguyên, Bí Thư Xã đoàn Bình Trị, huyện Kiên Lương còn được biết đến là một thanh niên thành công tiêu biểu với mô hình khởi nghiệp sản xuất Rượu nho rừng ở huyện Kiên Lương.

Chia sẻ về cơ duyên chọn khởi nghiệp với Rượu Nho rừng, anh Nguyên cho biết do nhận thấy xã Bình Trị có địa hình đồi núi với diện tích đất ven núi bỏ hoang rất nhiều. Trong khi thanh niên địa phương chưa có mô hình hiệu quả để làm kinh tế. Không chỉ vậy, quy mô chế biến rượu nho rừng trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ do chủ yếu tận dụng một số ít trái nho rừng có sẵn trong tự nhiên, đồng thời cũng chưa xây dựng được thương hiệu Rượu Nho rừng.

Từ đó, anh trồng thử nghiệm sau vườn nhà với 200 cây nho rừng và thành công khi cây cho khá nhiều trái. Năm 2018, anh Nguyên thử nghiệm làm rượu nho rừng, nhưng nhiều lần ngâm không thành công. Không bỏ ý định, thanh niên này tiếp tục học hỏi và đến năm 2019 ngâm thành công với hương vị rượu nho rừng thơm ngon, bổ dưỡng.

Sau mô hình của anh Nguyên, một số nông dân địa phương thấy cây nho rừng có giá trị kinh tế ngang tầm với các loại cây ăn trái khác cũng đã trồng loại cây này và Ủy ban nhân dân xã Bình Trị cho thành lập Tổ hợp tác trồng Nho rừng ấp Rạch Đùng. Còn cơ sở sản xuất Rượu Nho rừng NBT của anh Nguyên nhận thu mua toàn bộ Nho rừng trong Tổ hợp tác và những hộ dân địa phương.

“Sản phẩm Rượu Nho rừng NBT năm 2019 bán ra hơn 1.500 chai và tăng qua từng năm, đến năm 2022 với hơn 10.000 chai được bán ra thị trường, doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng/năm”. Sản phẩm cũng vinh dự đạt Giải Nhì trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2022”, anh Nguyên chia sẻ.

Theo anh Nguyên, Rượu Nho rừng là thức uống tự nhiên từ thiên nhiên có nhiều công dựng tốt cho sức khỏe như: chống lão hóa, làm đẹp da, kích thích ăn, đau nhức xương khớp… nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh mua dùng. Đặc biệt, là khách hàng đặt mua với số lượng lớn sử dụng trong đám tiệc, liên hoan,… Ngoài ra, sản phẩm cũng bán chạy tại các điểm du lịch của huyện Kiên Lương như: Khu du lịch Chùa Hang – Hòn Phụ Tử, Hang Cá Sấu, Hang Mo So…

Nhóm sinh viên cùng giảng viên Khoa Cơ khí Động lực nghiên cứu mô hình động cơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Về những khó khăn, hạn chế trong sản xuất Rượu Nho rừng, anh Nguyên cho biết, hiện tại cơ sở cũng còn gặp khó khăn về việc chủ động nguyên liệu, do đặc thù trái nho rừng chỉ thu hoạch 1 năm/ lần, nên sản lượng vẫn còn hạn chế; máy móc, trang thiết bị vẫn chưa được đầu tư đầy đủ do nguồn vốn còn hạn hẹp…

“Trước những khó khăn trên, cơ sở đã và đang chủ động nhân rộng mô hình trồng nho rừng cho đoàn viên thanh niên và các hộ dân ven núi xã Bình Trị. Cùng với đó là tìm người hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, tranh thủ nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ từ các tổ chức để đầu xây dựng nhà xưởng, hầm ủ rượu, mua thêm trang thiết bị để phát triển sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP…” anh Danh Nguyên chia sẻ thêm.

* Biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực

Anh Phan Đình Nhân, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang cho biết, phong trào thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Kiên Giang diễn ra khá sôi nổi, tạo được hiệu ứng tích cực trong đoàn viên, thanh niên. Tính đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ được hơn 120 ý tưởng trên tổng số gần 500 ý tưởng đăng ký tham gia cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Trong đó, một số dự án tiêu biểu như: Trà Mãng cầu xiêm của Hai Đậu; Dự án Nuôi heo sinh sản của anh Nguyễn Văn Quyết; Tinh dầu chống muỗi Nathea của nhóm Đoàn Ngọc Dũng; Phân bón Hữu cơ của Doanh Nghiệp Hứa Trường Giang; Rượu Nho rừng của anh Danh Nguyên....

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030, theo anh Phan Đình Nhân, Tỉnh đoàn sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên; tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan với đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức các cuộc thi, hội thi viết sáng kiến, cải tiến kỹ thuật… cho các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tại các đơn vị trường học trong tỉnh.

Nhóm sinh viên bên chiếc ô tô điện tự sáng chế. (Ảnh: Trung Kiên /TTXVN)

Tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng miền, địa phương.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp như: kiến thức về quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị chất lượng, quản trị chuỗi cung ứng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ số.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp, huy động các nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; liên kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; xây dựng, phát triển các kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp./.

PV

Xem thêm